Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Phổ biến là các bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, viêm đường hô hấp… Do đó cần chủ động nâng cao sức đề kháng để phòng ngừa tác nhân gây bệnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh và giảm biến chứng.
Giảm căng thẳng
Tình trạng căng thẳng có thể làm cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, không tỉnh táo, gây ra sự rối loạn trao đổi chất, mất cân bằng các hormone trong cơ thể. Tình trạng này nếu để kéo dài có thể gây suy yếu hệ miễn dịch và trở thành lỗ hổng để các yếu tố gây hại xâm nhập. Do đó, duy trì một trạng thái tinh thần ổn định cũng là một cách để giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng
Trên thực tế không có loại thần dược hay chế độ ăn chuyên biệt nào giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ chúng ta khỏi virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Tuy nhiên một chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng sẽ giúp hệ miễn dịch làm tốt nhiệm vụ của mình chống lại các mầm bệnh.
Chế độ ăn khoa học đủ dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, cung cấp đủ bốn nhóm chất cơ bản. Trong đó, chất đạm cần chú trọng vì giúp tạo kháng thể, chất dẫn truyền thần kinh, chất kháng viêm...
Chất béo vừa cung cấp năng lượng vừa có vai trò trong hoạt động của hệ miễn dịch, nhất là chất béo không no như trong mỡ cá, các loại hạt giàu béo (hạt bí, hạt hướng dương, đậu phộng và các loại đỗ...). Cá và các loại hạt này cũng giàu vitamin E chống oxy hóa, giúp giảm stress, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, cần ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin A, B, C. Các vitamin A, B, C... có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng việc bổ sung đầy đủ vitamin A có thể làm giảm 23% tử vong ở trẻ. Thiếu vitamin A sẽ làm các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi. Vitamin A có nhiều trong gấc, rau ngót, rau dền, gan gà,…
Vitamin C là một trong những dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa các bệnh. Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các tế bào từ các gốc tự do, và có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn và chống dị ứng. Hãy ăn nhiều cam quýt, rau mùi tây, dâu, ớt đỏ và kiwi.
Ngoài ra, tăng cường ăn các loại gia vị như hành, tỏi , vitamin A, C, E, kẽm là những chất quan trọng với chức năng miễn dịch trong cơ thể. Các chất này cũng giúp cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng, cảm lạnh, cúm, cũng như chứa các đặc tính chống vi khuẩn, chống virus.
Vệ sinh cơ thể đúng cách
Vệ sinh có thể coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các căn bệnh ho và cúm. Việc tiếp xúc với môi trường khói bụi, nhiều vi khuẩn - đặc biệt trong thời tiết giao mùa rất thuận lợi để vi khuẩn phát triển sẽ khiến chúng dễ dàng tấn công hệ thống sức khỏe của bạn. Do đó, hãy thực hành thói quen vệ sinh tốt như: đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay định kỳ, sử dụng khăn lau khi hắt hơi, sẽ giúp hạn chế sự tác động của vi rút, vi trùng và các tác nhân gây dị ứng.
Vận động nhẹ nhàng vào sáng và tối
Thời tiết mát mẻ của mùa thu là thời điểm thích hợp để tập thể dục, rèn luyện thân thể. Tuy nhiên, ở thời điểm giao mùa, nhiệt độ vẫn còn khá cao nên bạn cần tránh vận động vào buổi trưa, tranh thủ vận động vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối là tốt nhất. Hình thức vận động an toàn nhất là chạy bộ chậm, đi bộ đường dài, đạp xe…
Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, cảm thì cần tránh đến phòng tập và tập các bài tập nặng. Bởi tập thể dục vào lúc này không những không tốt mà còn khiến bạn dễ bị ốm hơn vì nó tạo thêm gánh nặng cho cơ thể, cơ thể mất sức mệt mỏi.
Uống đủ 2 lít nước/ngày
Giao mùa vào thu thời tiết sẽ trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn nên bạn sẽ ít có cảm giác khát nước như mùa hè. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta uống ít nước đi. Chúng ta vẫn cần phải cung cấp ít nhất 2 lít nước/ngày để giúp các cơ quan trong cơ thể vận động trơn tru, đào thải độc tố - những chất làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Đồng thời, giúp làn da bổ sung đủ độ ẩm để duy trì vẻ đẹp và làm chậm quá trình lão hóa da.