Nhà báo Nguyễn Công Tư.
Nhà báo của nông dân
Nghe chuyện đời, chuyện nghề của ông, tôi thực sự ngưỡng mộ vì cuộc đời làm báo của ông được đi rất nhiều. Năm 1975, sau khi từ chiến trường ra, ông được phân công về bộ Thủy lợi.
Ông nhớ mãi người thủ trưởng của mình lúc đó đã khuyên, học về thủy lợi thì có nhiều người rồi, nên đi học ngành gì đó khác. Thế là ông thi vào Đại học Tổng hợp, khoa văn bởi từ bé ông đã mê văn thơ. Ra trường, ông về công tác tại tạp chí ngành thủy lợi, rồi sau về bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
64 tỉnh thành trong cả nước, nơi nào cũng đã có dấu chân ông. Có những vùng như Điện Biên, Côn Đảo, Cà Mau… ông còn về công tác tới 4-5 lần. Không chỉ trong nước mà năm châu bốn biển ông cũng đều đi qua. Ngoài những bài viết, thì mỗi chuyến đi ông đều ghi lại những cảm nhận về miền đất đó bằng thơ.
Kết quả của những chuyến đi ấy là kinh nghiệm sống vô cùng phong phú về đất nước, con người, đặc biệt là những hiểu biết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Để đến khi nghỉ hưu, ông lại tiếp tục cộng tác với kênh VTC16, kênh truyền hình dành cho nông dân.
Làm người dẫn chương trình trực tiếp, điều khiến ông vui nhất là nhiều khi đi đường, được bà con nhận ra. Có lần đi tacxi, anh lái xe nhận ra ông, rất phấn khởi còn nhất định không lấy tiền.
Có người đã chia sẻ, những chương trình ông dẫn lôi cuốn nông dân vì ông luôn đứng về phía họ. Dù là đặt một câu hỏi cho chuyên gia, ông không chỉ đọc mà luôn coi những thắc mắc của nông dân chính là của mình, như chính đàn lợn nhà mình đang ốm, mảnh vườn, thửa ruộng nhà mình đang gặp vấn đề… vì thế nên dễ đi vào lòng người.
Còn với những buổi thu hình trực tiếp ngoài đồng ruộng, bao giờ ông cũng dành thời gian trước đó để tiếp xúc với bà con. Và lúc này, những bài thơ dí dỏm, gần gũi như thơ dân gian của ông khiến ai cũng mê tít, không khí buổi ghi hình trở nên thân mật, vui vẻ.
Hết lòng với vợ con
Điều khiến ông vui nhất là con cái thành đạt, gia đình yên ấm và mình vẫn còn khỏe. Một điều sung sướng nữa là bà xã lúc nào cũng ủng hộ ông, muốn đi chơi đâu với bạn bè cũng được, không bao giờ bị cấm đoán.
Để được sự tin tưởng đó, không chỉ bây giờ, mà trước đây ông luôn sống theo phương châm, đến cơ quan thì hết lòng với công việc. Còn khi về nhà thì hết lòng với vợ con. Đến giờ cũng thế, trông cháu, đón cháu, đọc thơ cho cháu nghe, giúp vợ con được việc gì là ông không bao giờ nề hà, mà luôn coi đấy là niềm vui.
Với ông Tư, muốn sống vui, sống khỏe, sống có ích thì trước hết phải tập luyện thường xuyên để giữ gìn sức khỏe. Sáng nào ông cũng đi bộ quanh Hồ Gươm. Từ nhà sang Hồ Gươm là 500m, đi 2 vòng quanh hồ là 3,4km, có hôm ông còn đi 3 vòng.
Ông bảo, đi bộ thì đi một mình thôi vì mình chủ động về tốc độ. Ngoài ra, ngày nào ông cũng tập bài thể dục 16 động tác của bộ đội. Tập đều nên người dẻo dai, nên lúc ngồi thiền kiểu kiết già ông ngồi được cả tiếng đồng hồ.
Tập xong thì về tụ tập với hội nước chè trong ngõ. Khu tập thể này phần lớn là cán bộ trong ngành thủy lợi, nên mọi người gắn bó với nhau đã lâu, hiểu nhau, gần gũi và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Đó cũng là một niềm vui, một thói quen, hôm nào không ra, không gặp nhau được là thấy nhớ.
Một đam mê nữa của ông Tư là viết lách. Không chỉ làm thơ, tham gia các CLB thơ, ông còn viết hồi ký. Cuốn hồi ký “Đi tìm ân nhân” của ông sắp được xuất bản. Đó là câu chuyện tìm lại hai cô gái, những người đã cứu sống ông trong trận chiến tại Tiền Giang, khi ông bị thương nặng. Họ đã dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nguy để đưa ông về với đồng đội.
Cuộc đời thật thú vị khi ta luôn sống hết mình.
Tuệ Minh