Mỗi năm điều trị cho hơn 500 bệnh nhân tâm thần do rượu
Ngày 3/5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, mỗi năm, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh loạn thần do nghiện rượu, bia.
Đây là một rối loạn tâm thần thứ phát, trong đó sự tiếp xúc với đời sống thực tế bị tổn hại do hoang tưởng và ảo giác, xảy ra trong các điều kiện liên quan đến rượu như nhiễm độc cấp tính, ngộ độc rượu, hoặc khi có sự giảm đáng kể việc tiêu thụ rượu.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Q, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) nhập viện điều trị tại Khoa Nội tim mạch - Hô hấp - Ung bướu, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa trong tình trạng sảng rượu, run tay chân, rối loạn chức năng gan, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm tiểu cầu.
Bệnh nhân đã có một thời gian dài sử dụng rượu, bia. Trước khi nhập viện, mỗi ngày, bệnh nhân sử dụng 300 đến 500 ml rượu. Việc sử dụng rượu với lượng lớn hàng ngày dẫn đến sức khỏe của bệnh nhân giảm sút.
Chị N., vợ bệnh nhân Q. chia sẻ: “Chồng tôi làm nghề tự do nên anh thường xuyên uống rượu. Thời gian gần đây, ngày nào anh cũng uống rượu, ăn ít đi, không ngủ được và thi thoảng bị lên cơn động kinh, mê sảng. Gia đình đưa anh đến Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa để khám. Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán chồng tôi bị loạn thần do rượu”.
Lạm dụng rượu bia lâu năm, nhiều người bị tâm thần thứ phát |
Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm bệnh viện khám và tiếp nhận điều trị cho trên 500 bệnh nhân bị loạn thần do rượu. Nhiều trường hợp nghiện rượu gây ra ảo giác, với các biểu hiện như chửi rủa, cảm giác lo âu, ảo giác chi phối hoạt động của bệnh nhân. Nhiều trường hợp loạn thần do rượu có những hành vi gây tổn hại đến bản thân và cộng đồng.
Ông Bàn Anh M, 50 tuổi ở xã Tân Tiến (Yên Sơn) đã gần 20 năm uống rượu và 3 năm trở lại đây, ông bị nghiện rượu. Theo lời người nhà, ông M. uống rượu nhiều lần trong ngày. Sức khỏe ngày càng suy giảm và nghiêm trọng hơn.
Năm 2023, ông M. phải nhập viện trong thời gian hơn 1 tháng với biểu hiện rối loạn tâm thần nặng. Ra viện, ông M. vẫn tiếp tục uống rượu và mới đây, ông M. lại tái nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần nặng hơn với những biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...
Tâm thần đi kèm nhiều bệnh lý nguy hiểm
Theo BS Lê Thị Lý, cán bộ phụ trách Khoa Thần kinh - Tâm thần, Bệnh viện đa khoa tỉnh, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tại khoa điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu, bia tăng hơn so với trước.
Hiện tại, khoa đang điều trị cho 10 bệnh nhân rối loạn tâm thần, hành vi do lạm dụng rượu, bia. Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run. Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người nghiện rượu.
Rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bệnh phức tạp khó điều trị. Khi điều trị tại bệnh viện, các bác sỹ, điều dưỡng vừa phải theo dõi sát sao các diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân để điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc, vừa phải động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Đa phần bệnh nhân đều đáp ứng tốt trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, việc điều trị loạn thần và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận... ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi. Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt có trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa.
Hiện nay, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng, báo động về một hiểm họa do rượu gây ra mà ít người nghĩ đến như: Biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ bị kích động, cáu gắt, ghen tuông… dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm.
“Biện pháp phòng ngừa nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu tốt nhất là duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Trường hợp phải uống rượu, nên sử dụng an toàn với liều lượng và tần suất phù hợp.
Học cách kiểm soát căng thẳng sẽ giúp hạn chế việc sử dụng rượu bia, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc. Khi nhận thấy những người xung quanh sử dụng rượu thường xuyên, cần đưa ra lời khuyên kịp thời. Khi có những biểu hiện bất thường, nên khuyến khích họ đến bệnh viện để được điều trị trong thời gian sớm nhất...” - Các bác sĩ khuyến cáo