<div> <p>Ngày 10/6, báo cáo với đoàn giám sát HĐND TPHCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, hai dự án giao thông trọng điểm bao gồm cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) và cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương dừng hợp đồng BOT để chuyển qua dùng vốn ngân sách.</p> <p>Theo ông Trần Quang Lâm, việc các dự án BOT đã triển khai rồi dừng lại là việc chưa có tiền lệ. TPHCM đã chấp nhận dừng dự án và giao các sở - ngành làm các thủ tục chặt chẽ, đàm phán với nhà đầu tư chuyển từ hợp đồng BOT qua vốn ngân sách. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu hướng giải quyết để làm việc với nhà đầu tư về việc chấm dứt hợp đồng.</p> <div> <div><img alt="TPHCM khai tử 2 dự án BOT giao thông trọng điểm - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/11/image-tienphong-vn_bt2_llnr.jpg" /><span>Cầu đường Bình Triệu 2 nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức qua sông Sài Gòn</span></div> </div> <p>Ngoài hai dự án trên, ông Lâm cho hay 2 dự án bãi đậu xe ngầm cũng được đề xuất ngưng hợp đồng cũ.</p> <p>Đáng lưu ý, ông Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM cho biết UBND TPHCM đang giao các sở ban ngành rà soát những dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm 13 dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và 2 dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) để có hướng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.</p> <div> <div><img alt="TPHCM khai tử 2 dự án BOT giao thông trọng điểm - ảnh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/11/image-tienphong-vn_tql_yuko.jpg" /><span>Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT báo cáo với đoàn giám sát HĐND TPHCM</span></div> </div> <p>Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 - giai đoạn 2) được UBND TPHCM và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) ký kết hợp đồng BOT vào năm 2018. Theo nội dung hợp đồng, dự án bao gồm các công trình mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây nút giao thông Đài Liệt sỹ, hầm chui theo hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13, làm mới đoạn đường Chu Văn An, mở rộng cầu Ông Dầu...với tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng. Hiện nay, CII đã hoàn thành một số hạng mục nhưng chưa được thu phí hoàn vốn do các giai đoạn sau chưa triển khai, chưa đủ điều kiện để thu.</p> <p>Trong khi đó, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, không thực hiện ở các dự án cải tạo, nâng cấp ở những tuyến hiện hữu. Do đó dự án nêu trên nếu tiếp tục triển khai theo hình thức BOT sẽ trái nghị quyết, đồng thời vị trí trạm thu phí cũng không bảo đảm công bằng.</p> <p>Còn dự án BOT cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO là nhà đầu tư. Dự án đã khởi công vào cuối năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng và đã thi công đạt 70% khối lượng.</p> <div> <div><img alt="TPHCM khai tử 2 dự án BOT giao thông trọng điểm - ảnh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/11/image-tienphong-vn_tktq_ujrg.jpg" /><span>Cầu Tân Kỳ - Tân Qúy khởi công vào năm 2017 sau khi cầu cũ bị sập</span></div> </div> <p>Theo báo cáo của Sở GTVT, trong 4 dự án bãi đậu xe ngầm ở quận 1 mới chỉ có duy nhất bãi đậu xe sân khấu Trống Đồng đang triển khai và nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh cơ cấu, chức năng ở một số chỉ tiêu và đang được Sở Quy hoạch và Kiến trúc xem xét.</p> <p>Ba dự án bãi đậu xe ngầm còn lại, ngoài dự án tại công viên Lê Văn Tám đã "khai tử", chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư thì 2 dự án khác là bãi xe ngầm ở sân vận động Hoa Lư và công viên Tao Đàn hiện đang đề xuất chấm dứt quyết định đầu tư theo hình thức BOO (Xây dựng - sở hữu - kinh doanh). TPHCM đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM thực hiện báo cáo tiền khả thi 2 dự án trên.</p> </div>