Theo chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu, mặt bằng lãi vay hiện vẫn khá cao, nhiều doanh nghiệp ngại không dám vay vì hoạt động kinh doanh không kham nổi chi phí vốn đắt đỏ.
Liên tiếp giảm lãi suất tiết kiệm
Theo khảo sát của PV, lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 5 đã giảm mạnh. Hiện lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng của một số ngân hàng tiếp tục giảm từ 0,1 - 0,9%/năm tùy kỳ hạn. Mức lãi suất huy động 12 - 13 tháng niêm yết cao nhất quanh 8%/năm.
VPBank lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15-36 tháng giảm về 7,2%/năm.
TPBank cũng giảm đến 0,2%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.
Agribank giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và 3-5 tháng là 5,1%/năm.
Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,6%/năm, 3 tháng còn 5,1%/năm, 6-9 tháng còn 5,8%/năm, lãi suất từ 12 tháng trở lên được duy trì ở 7,2%/năm.
VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm...
Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng tại Ngân hàng MSB cũng đã giảm 0,2%/năm, đưa mức lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng về còn 7,6%/năm. Với bước giảm lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tuần, tính chung, MSB đã giảm lãi suất 0,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Sacombank cũng vừa giảm 0,1%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng và giảm 0,2-0,5%/năm lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất về còn 7,9%/năm.
HDBank giảm tiếp 0,3%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Hiện mức lãi suất cao nhất được HDBank áp dụng là 8,7%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng có bước giảm sâu từ 0,4-1,2%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại OCB hiện là 8,2%/năm.
Hàng loạt ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiết kiệm - Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN |
Lãi suất cho vay giảm “nhỏ giọt”
Trong khi lãi suất tiết kiệm của hàng loạt ngân hàng giảm, thì một số ngân hàng cũng đang trên đà giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, Agribank vừa công bố giảm lãi suất cho vay lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng. Thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.
Ước tính, có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình này là hơn 1.000 tỷ đồng.
Đối với tín dụng ngắn hạn, Agribank cũng đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, mức thấp nhất chỉ từ 4,5%/năm tuỳ theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn.
Vietcombank cũng triển khai giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng từ 1/5/2023 đến hết 31/7/2023. Chương trình không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…
Ước tính sẽ có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng được giảm tiếp lãi suất cho vay trong đợt này.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của tháng 5 đạt 7,61%, giảm 0,18% so với tháng trước. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,07%, giảm 0,22% so với tháng trước.
Công ty chứng khoán này đánh giá, mặc dù đã giảm đáng kể từ mức đỉnh, nhưng lãi suất huy động vẫn đang cao hơn đáng kể so với mặt bằng trước dịch. Việc lãi suất huy động vẫn ở mức cao cũng là yếu tố khiến cho lãi suất cho vay vẫn chưa giảm được nhiều, phần nào ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI công bố, trong tháng 4 mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19, dao động ở mức 10-10,5%/năm kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường; trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm. Thực tế cũng cho thấy lãi vay đang giảm kiểu “nhỏ giọt” trong thời gian qua.