U quái vỡ tràn ổ bụng cả răng và tóc
Sau lần đầu tập lắc vòng, chị Hoa 38 tuổi, ở Đồng Nai bị đau bụng dưới, hai hôm sau bụng bắt đầu chướng. Đến ngày thứ 7, bụng phình to hơn, chị đến BVĐK Tâm Anh TP HCM khám bệnh.
BSCKII Lê Thanh Hùng, Trung tâm Sản Phụ khoa cho biết, thời điểm khám, bụng Hoa to như mang bầu đủ tháng. Người bệnh được chụp CT – Scan nghi ngờ u quái buồng trứng trái vỡ, tràn dịch khắp ổ bụng. Ê kíp tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng khẩn cấp để chẩn đoán nguyên nhân. Khi dụng cụ nội soi vào ổ bụng, ê kíp phát hiện một thùy khối u buồng trứng bên trái đã vỡ, chảy dịch ổ bụng, còn một thùy chưa vỡ chứa tóc và chất bã.
Theo bác sĩ Hùng, căn cứ tình trạng dịch tràn ngập ổ bụng, có thể nhận định chị Hoa bị vỡ u nang buồng trứng ngay sau khi sử dụng vòng lắc eo va đập mạnh vào vùng bụng. Vỡ u sẽ gây đau đột ngột ở vùng chậu, trường hợp chị Hoa có triệu chứng, nhưng đi khám trễ do nghĩ cơn đau xuất phát từ việc tập thể dục.
BS Hùng (giữa) phẫu thuật bóc u buồng trứng vỡ cho chị Hoa |
Vì vậy, bệnh nhân đối mặt nguy cơ nhiễm trùng cao do sự phát tán các chất trong khối u ra khắp ổ bụng, có thể dẫn đến tình trạng sốc và nhiễm độc. “Nếu phát hiện trễ hơn, người bệnh có thể tử vong”, bác sĩ Hùng cho biết.
Ê kíp tiến hành hội chẩn ngay tại phòng mổ, quyết định mổ hở để tách dính, rửa ổ bụng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật vô cùng khó khăn vì người bệnh bị dính sẹo mổ do có tiền sử bị chấn thương do tai nạn giao thông phải phẫu thuật cắt lách và thận trái cách đây 20 năm.
Ngoài ra, u buồng trứng vỡ là nang chứa dịch bã nhầy, dịch này rất khó rửa. Nếu không được rửa sạch, dịch nằm sót lại trong ổ bụng dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nhiều nơi trong khoang bụng.
Sau 2 giờ phẫu thuật, bác sĩ được hút khoảng 3 lít dịch tự do trong bụng, bóc khối u còn sót lại, vệ sinh ổ bụng, bảo tồn buồng trứng. Khối u được bóc ra chứa đầy bã nhờn, tóc.
Đây là u quái buồng trứng, phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 20-30. Đa số u này dạng nang chứa dịch, nằm một bên buồng trứng và lành tính. Mô bên trong khối u có nguồn gốc từ tế bào mầm biệt hóa chứa da đầu, tóc, tuyến bã, chất bã, răng, xương… U được mô tả là Teratoma có nguồn gốc tiếng Latin là “Monster” (quái vật).
U buồng trứng quái vật được lấy ra |
Sau mổ, chị Hoa tiếp tục theo dõi tại khoa, dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng. Chị cho biết, hai lần đều đẻ thường, con thứ 2 đã 15 tuổi, đến nay chị chưa từng siêu âm bụng, nên không biết có u từ bao giờ. Khoảng ba năm nay, bụng to hơn, nghĩ do béo.
Có u cẩn thận khi tập luyện
Theo bác sĩ Hùng, hầu hết các khối u quái buồng trứng là u lành tính, không triệu chứng thường được phát hiện khi mổ lấy thai hoặc bằng các phương pháp: siêu âm, CT- Scan, MRI. Nếu có triệu chứng thường gặp là đau bụng cấp do u xoắn hoặc u to kích thước lớn.
Trước đó, bệnh viện Tâm Anh cũng đã cấp cứu một số trường hợp vỡ u nhưng người bệnh không biết trong cơ thể có khối u. Dấu hiệu nhận biết chung là đau bụng cấp, kèm theo tình trạng có thể gặp như sốt, chảy máu âm đạo, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, sốc mất máu…
Một số yếu tố làm tăng khả năng vỡ u buồng trứng gồm: kích thước khối u quá to, u bị xoắn nhiều vòng, lao động gắng sức hay tập thể dục với cường độ cao hoặc bị tác động ngoại lực lên thành bụng.
Hiện chưa có cách phòng ngừa bệnh u buồng trứng, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có thể lưu ý biện pháp siêu âm theo dõi định kỳ 2-3 tháng/lần dự phòng vỡ u. Đồng thời tránh bê vác nặng, nhào lộn, hoặc tập thể dục với động tác tăng áp suất lên ổ bụng như gập bụng, lắc vòng.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, nếu thấy bụng to bất thường nên đến bệnh viện khám để phát hiện, điều trị kịp thời giúp bảo tồn chức năng sinh sản, tránh việc “nuôi” khối u quá to gây nhiều biến chứng chèn ép, vỡ u nguy hiểm đến tính mạng.