Không phải cứ “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”
Những vụ án gian lận thi cử được đưa ra xét xử đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Đã vi phạm pháp luật thì căn cứ theo những quy định của pháp luật, sai đến đâu, xử tới đó, đúng người, đúng tội. Thậm chí, với những vụ việc như thế này thì phải xử lý nặng theo quy định của pháp luật, không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để có tính chất răn đe.
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi bên hành lang Quốc hội với phóng viên KH&ĐS. |
Trong vụ án xét xử gian lận ở Hòa Bình, khi “trần tình” về những sai phạm của mình, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu Phó phòng Khảo thí) đã nói: Mình không làm theo sẽ khó vì: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Ông có suy nghĩ gì về câu nói này?
Nhà giáo là nghề đặc thù, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương về đạo đức cho xã hội, học sinh noi theo. Dù trước những biến động tiêu cực từ xã hội thì người giáo viên phải giữ được đạo đức, giá trị riêng của mình.
Mặc dù trong thực tế, vẫn có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nhưng câu này phải hiểu theo hai khía cạnh: Một mặt trong cuộc sống phải có điều chỉnh những thay đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhưng mặt khác, những gì là đúng đắn, chuẩn mực thì phải tuân theo.
Thầy cô khi lên lớp luôn giảng về đạo đức, nhân cách cho học sinh. Nếu thầy cô không giữ được đạo đức, nhân cách thì làm sao có thể thực hiện được nhiệm vụ giáo dục học sinh?
Cho nên, đối với nghề giáo, sự chuẩn mực, đạo đức phải giữ bằng bất cứ giá nào và là yêu cầu bắt buộc. Không thể lấy lý do có những tác động từ xã hội mà làm mất đi phẩm giá của mình. Không thể đổ cho lý do vì ai cũng “gù” mà mình không “thẳng” vì sẽ thành “khuyết tật”.
Dù không đồng tình với lý do “trần tình” dẫn tới vi phạm pháp luật của bị cáo, tuy nhiên, có phải câu nói đó cũng hé lộ một mảng tối của giáo dục và của xã hội không, thưa ông?
Xã hội đương nhiên có mảng tối và sáng. Nhưng có thể thấy, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 diễn ra trên 63 tỉnh, thành, hàng triệu học sinh, hàng vạn giáo viên tham gia kỳ thi. Trong khi đó, việc gian lận được phát hiện chỉ ở 3 tỉnh, ở một vài hội đồng thi với một số lượng thí sinh nhất định. Nếu so sánh về mặt con số, thì đây là con số nhỏ.
Không thể từ một vài hiện tượng như vậy mà phủ nhận đóng góp của tất cả các thầy cô và nghĩ rằng dường như ngành giáo dục, xã hội đầy rẫy những tiêu cực. Cách khái quát đó là không phù hợp.
Có biết bao nhiêu tấm gương các thầy cô trên mọi miền Tổ quốc vẫn đang ngày đêm dốc sức dạy dỗ học trò, tận tâm với nghề.
Tôi cho rằng, cái tốt, cái đẹp, cái thiện vẫn là chủ đạo. Vấn đề là cả xã hội cần chung tay để cái tốt ngày càng nhiều lên, lấn át cái xấu.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Với các thầy cô giáo, ngoài việc chịu trách nhiệm về mặt pháp luật, sẽ còn là bản án nặng nề từ dư luận, xã hội. Thậm chí, mất đi sự nghiệp cả đời mà mình theo đuổi. Đặc biệt, còn là bản án lương tâm, có khi còn nặng hơn cả bản án pháp luật.
Vụ việc 2018 là bài học cho những người thực thi nhiệm vụ năm nay
Năm nay, kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ giao về cho các địa phương tổ chức. Điều này làm dấy lên lo ngại sẽ mất lặp lại câu chuyện tiêu cực của năm 2018. Ý kiến của ông thế nào?
Mục tiêu của kỳ thi đại học là tuyển chọn được những thí sinh nổi trội nhất cả về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để phù hợp với ngành nghề đào tạo nào đó. Còn kỳ thi tốt nghiệp, như Bộ GD&ĐT công bố năm nay, mục tiêu chủ yếu chỉ để xét tốt nghiệp
Việc thi tuyển vào các trường đại học theo Luật Giáo dục đại học do các trường đại học, cơ sở giáo dục chủ động trong tuyển sinh với phương thức tự chủ. Nhưng các trường cũng có thể sử dụng kết quả của kỳ thi Tốt nghiệp THPT để tuyển sinh kết hợp với các phương thức khác như xét học bạ, đánh giá năng lực…
Với quy định như vậy, dần dần hai kỳ thi này sẽ tách ra độc lập. Như vậy, sẽ vừa đúng yêu cầu, đúng mục tiêu và vừa thực hiện theo đúng luật, trong đó có việc giao địa phương tổ chức kỳ thi.
Vậy theo ông, cần làm gì để kỳ thi diễn ra công bằng, nghiêm túc?
Theo tôi được biết Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn cụ thể, giao trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức kỳ thi đó ở địa bàn của mình và Bộ sẽ tăng cường thanh, kiểm tra. Và để đảm bảo kết quả chung những môn trắc nghiệm có phần mềm chấm chung.
Với cơ chế giám sát, các yếu tố kỹ thuật như vậy, chúng ta hy vọng, kỳ thi sẽ diễn ra công bằng, khách quan.
Đặc biệt, tôi cho rằng, những sai phạm trong kỳ thi 2018 sẽ là bài học nhãn tiền có tính răn đe, cảnh tính, để những người được giao nhiệm vụ, có trách nhiệm trong kỳ thi năm nay phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình để hoàn thành những nhiệm vụ được xã hội giao phó.
Trân trọng cảm ơn ông!