Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, tính ấm, tác dụng khử hàn, trừ thấp, kiện tỳ, tiêu viêm, thông kinh lạc, thường chữa các chứng phong tê thấp, đau nhức xương khớp, đổ mồ hôi tay chân, đầy bụng chậm tiêu, tiêu chảy, nôn mửa, khó tiêu.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau. Bên trong lá lốt chứa các chất như piperin, là các chất dạng tinh dầu có tác dụng kháng sinh, chống viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, lá lốt cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa có khả năng kháng khuẩn, đặc biệt tác dụng mạnh với các loại khuẩn gây bệnh đường ruột như E.coli, Salmonella typhi, Staphylococcus, Streptococcus, Shigella flexneri... Sử dụng lá lốt đun nước uống sẽ làm giảm tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng. Nhờ chứa nhiều hoạt chất kháng viêm như flavonoid, alkaloid nên lá lốt rất tốt trong việc điều trị cảm cúm, do cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc sốt virus. Khi bị cảm cúm lấy gạo, hành tây, gừng tươi và tỏi nấu thành cháo, cháo chín thả lá lốt vào nấu mềm, cho người bệnh ăn khi còn nóng. Cháo lá lốt giải cảm nhanh, phòng ngừa sự phát triển của các loại virus gây bệnh.
Lá lốt rất tốt cho nam giới vì có tác dụng bổ thận, tráng dương. Lá lốt có tính nóng ấm, giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, sinh tinh, giúp cải thiện và tăng cường sinh lý nam giới. Khi ăn lá lốt nên kết hợp với các loại thực phẩm giàu protein và khoáng chất để tăng cường nội tiết tố testosterone ở nam giới. Khi lao động, học tập thấy người mỏi mệt, đau nhức, có thể ăn thịt xào lá lốt để trị bệnh. Dùng 60 - 70g lá lốt, 100g thịt rửa sạch, thái mỏng sau đó ướp với gia vị và xào với lá lốt. Món ăn này sử dụng 3 lần/tuần sẽ có hiệu quả. Món chả lá lốt cũng rất tốt cho xương khớp.
Theo Đông y, lá lốt có vị cay tính ấm có tác dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống); kháng viêm, chỉ thống (giảm đau). Thịt lợn (trư nhục) có vị ngọt, mặn, tính bình, vào kinh tỳ, vị, thận có tác dụng tư âm nhuận táo. Hai vị thuốc này kết hợp với nhau có vai trò bổ chính khu tà, ôn ấm cơ thể, nâng cao chính khí loại trừ tật bệnh, trừ nhức mỏi, bồi bổ sức khỏe và xương khớp. Món chả lá lốt thích dụng cho những người mắc chứng tê bại chân tay, sưng đau các khớp hạn chế vận động do phong thấp, chảy nước mũi, trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu, cảm lạnh, sợ lạnh, lạnh tứ chi, huyết áp thấp, hay đổ mồ hôi chân… Đối với người rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy không đau bụng dùng một nắm lá lốt từ 50 - 100g sắc nước uống ngày 3 lần.
Lương y Nguyễn Văn Phúc (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)