Theo Đông y, quả đào giúp sinh tân dịch, nhuận tràng, hoạt huyết, hạ huyết áp, chữa chứng khó thở, ho ra đờm, tiêu ứ; khó thở, chữa táo bón, kinh nguyệt không đều.
Hoa đào thì tính bình, vị đắng, có tác dụng thông tiểu tiện, hoạt huyết, nhuận tràng (hoa đào tươi tốt hơn hoa đào khô). Theo “Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân (Trung Quốc) còn nói công năng của hoa đào làm thông đại tiện rất nhanh, tiêu tích trệ, trị phù thũng...
Lá đào vị đắng, tính bình, tác dụng làm tan huyết tụ, giảm đau, lợi tiểu, chống dị ứng, sát khuẩn, chữa lở ghẻ, sưng ngứa, ngâm chữa đau chân. Cách dùng lá đào chữa bệnh như sau:
Chữa ghẻ: Lá đào 50g, rau sam 40g. Rửa sạch cả hai, đun lấy nước tắm, ngày tắm 1 lần, tắm liền 5 ngày. Khi tắm dùng bã thuốc kỳ vào nơi bị ghẻ.
Chữa bệnh sưng ngứa âm hộ: Lá đào 40g, tỏi 10g, rửa sạch, giã nhỏ, đem đun nước rửa, trước khi rửa thì cho xông hơi thuốc vào nơi đau. Khi thuốc nguội thì dùng nước rửa chỗ đau, ngày làm 1 lần, cần làm 5 ngày liền.
Chữa lở ngứa: Lá đào 50g, lá khế 40g, rửa sạch cả hai, đun nước tắm, ngày tắm 1 lần, khi tắm dùng bã thuốc kỳ vào nơi ngứa, cần tắm 3 ngày liền.
Chữa vết thương sưng đau: Lấy lá đào tươi sắc lấy nước đặc hay giã vắt lấy nước cốt rồi bôi vào vết thương đang sưng đau rất hiệu quả.
Trị mụn nhọt ở trẻ em: Lấy lá đào non cùng lá mướp non (lượng mỗi thứ bằng nhau), cứ 50g hỗn hợp hai loại lá này thì cho vào 3g phèn chua giã nhuyễn bôi lên nơi mụn nhọt chỉ vài lần sẽ khỏi.
Phòng lên cơn sốt rét: Lấy 7 lá đào non tươi, cùng 7 hột hồ tiêu. Hai thứ nghiền nát vo viên, 3 giờ trước khi lên cơn sốt, lấy viên này đắp (băng rịt lại) lên chỗ bắt mạch ở động mạch trên cổ tay của người bệnh, có thể phòng trị được cơn sốt.