Kỳ vọng tín hiệu VN-Index phục hồi, nên đầu tư cổ phiếu nào?

Trong ngắn hạn, giai đoạn nửa cuối quý 3 sẽ là một trong những thời điểm quan trọng để thiết lập những kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán.

VN-Index vẫn sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn, tuy nhiên, các số liệu tăng trưởng vĩ mô trong tháng 7/2024 và quý 2/2024 đã thể hiện phần nào tín hiệu hồi phục của thị trường. Xét tổng thể, chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là kênh thu hút vốn của nhà đầu tư trong thời gian tới.

P/E của VN-Index đang khoảng 14 lần, thấp hơn đáng kể so bình quân 2 năm

Theo Chứng khoán KB (KBSV), về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 14 lần (theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp). Mức định giá này đang thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 2 năm ở 14,9.

Ở góc độ tích cực, việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động sản xuất, công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước lần lượt hồi phục. Trong ngắn hạn, giai đoạn nửa cuối quý 3 sẽ là một trong những thời điểm quan trọng để thiết lập những kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán.

P/E VN-Index

P/E VN-Index

Các số liệu tăng trưởng vĩ mô trong tháng 7/2024 và quý 2/2024 đã thể hiện phần nào nội lực của nền kinh tế vĩ mô tốt hơn với các chỉ tiêu cho tín hiệu khả quan như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, chỉ số IIP, PMI, thu hút vốn FDI... Tương ứng với đó, lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý 2 cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ ở mức quanh 12,4% so cùng kỳ.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index nhiều khả năng sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn về 1150 (+- 10), hoặc xa hơn tại 1080 (+-15) trước khi có cơ hội hồi phục trở lại.

Cụ thể, KBSV nghiêng về kịch bản (70% xác suất) VN-Index sẽ tiếp tục chịu quán tính giảm điểm và có thể bắt đầu cho phản ứng hồi phục khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ gần quanh 1.150 (+-10).

Trong kịch bản tiêu cực, chỉ số tiếp tục đi xuống và phá vỡ vùng hỗ trợ này (30% xác suất), VN-Index sẽ đánh mất xu hướng tăng trung hạn và có thể thiết lập trạng thái đi ngang trên khung đồ thị tháng theo mẫu hình tam giác tính từ đỉnh đầu năm 2022, xuống vùng hỗ trợ mạnh/sâu hơn tại quanh 1.080 (+-15) trước khi có cơ hội hồi phục trở lại.

Trong khi đó, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị trường trong nước cũng xuất hiện một phiên giảm với biên độ lớn trước khi ngược dòng để tăng trở lại trong nhiều phiên gần đây, được đánh là tín hiệu tích cực. Nhiều cổ phiếu đã có biên độ hồi phục mạnh nhưng không thể phá vỡ nền tích lũy đang có, bên cạnh đó là thanh khoản rất nhỏ trong nhịp VN-Index thủng đáy là tín hiệu kỹ thuật mạnh cần quan sát.

MBS dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm, sau khi tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E từ 12 đến 12,5 lần.

Tại diễn biến khác, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định thị trường vẫn đang ở nhịp hồi phục kỹ thuật cho nên rủi ro ngắn hạn vẫn cao và thanh khoản vẫn có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp. Điểm tích cực hiện nay là các chỉ số chính và cổ phiếu đang hình thành mô hình đảo chiều tăng giá, cùng với đó mức định giá thấp trong ngắn hạn là cơ sở kỳ vọng về vùng đáy ngắn hạn của thị trường.

"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và không nên bán ra giai đoạn này. Đồng thời, nếu nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao thì vẫn có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp", Công ty này khuyến nghị.

Nên chú ý cổ phiếu nào trong tháng 8/2024?

Trong tháng 7/2024 vừa qua, Bộ Tài Chính đã công bố dự thảo Thông tư với điểm nhấn về việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được thực hiện giao dịch ký quỹ trong thời gian T+2 với sự hỗ trợ từ các công ty chứng khoán. Với kỳ vọng Thông tư này sớm có hiệu lực trong Quý 4/2024, tạo điều kiện để các Quỹ đầu tư nước ngoài có thể xem xét giải ngân trở lại thị trường Việt Nam... Đồng thời, Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cũng mở ra nhiều cơ hội.

MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư ở một số nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ như: Bất động sản với KDH, DXG cho giai đoạn phục hồi của thị trường bất động sản, trong khi NLG, TCH, VHM cũng là những doanh nghiệp cần quan tâm. Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu đang có sức bật tốt như: Dầu khí, Ngân hàng, Bán lẻ, Hóa chất, thực phẩm, Sản xuất điện, Bất động sản khu công nghiệp,... cũng cần được chú ý.

Danh mục khuyến nghị tháng 8/2024 của Chứng khoán Agriseco

Danh mục khuyến nghị tháng 8/2024 của Chứng khoán Agriseco

Trong khi đó, Chứng khoán Agriseco cho rằng bước sang tháng 8/2024, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Agriseco chọn lọc và đưa ra 5 cổ phiếu tiềm năng dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2024 tăng trưởng tốt, định giá hợp lý hoặc thuộc những ngành hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Với nhóm ngân hàng, đại diện là ACB. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 của ACB ghi nhận 10.500 tỷ đồng tăng 5% nhờ NII tăng trưởng 11% và NFI (thu nhập phí) tăng 13%. Hiện nay, cổ phiếu ACB giao dịch tại mức định giá P/B là 1,4x, khá hấp dẫn. Đồng thời, ngân hàng này có hiệu suất sinh lời cao với tỷ lệ ROE năm 2023 là 25%.

Đối với ngành thép, Agriseco kỳ vọng vào Hòa Phát (HPG) khi tăng trưởng ngành xây dựng 6 tháng đầu năm đạt 7,34% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các bộ luật sửa đổi gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung bất động sản gia tăng, qua đó tăng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước.

Trong khi đó, Agriseco kỳ vọng vào IDC tại nhóm bất động sản khu công nghiệp, khi ghi nhận 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4.615 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% và lợi nhuận sau thuế 1.381 tỷ đồng tăng 65%.

Tại nhóm bán lẻ, cổ phiếu MWG được khuyến nghị nên chú ý khi chuỗi Bách hóa xanh đạt doanh số kỷ lục 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, đã có lãi trong Q2/2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của chuỗi đạt 19,4 ngàn tỷ đồng tăng 42%.

Nhóm xuất khẩu được Agriseco chú ý có PTB. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ đạt hơn 7,15 tỷ USD, tăng 20%. Tại thị trường trọng điểm là Mỹ, giá trị xuất khẩu gỗ lũy kế 6 tháng đạt mức 4,05 tỷ USD, tăng 24%.

Ngoài ra, Agriseco còn kỳ vọng ở Phú Tài (PTB) trong mảng đá khi công ty này đã thực hiện nâng công suất nhà máy Thạch anh Đồng Nai từ mức 200.000 tấn/năm lên mức 450.000 tấn/năm trong Quý 4/2023. Đồng thời, đang có kế hoạch cung cấp đá cho dự án sân bay Long Thành.

Cái tên cuối cùng được Agriseco nhắc tới là PVD ở mảng dầu khí. Hiện tại, giá cho thuê giàn khoan dự báo tiếp tục tăng cao hỗ trợ biên lợi nhuận doanh nghiệp trong nửa cuối năm nhờ các yếu tố thị trường thuê giàn khoan tự nâng khan hiếm. Căng thẳng địa chính trị có xu hướng leo thang làm gián đoạn hoạt động thăm dò, cũng khiến giá dầu tiếp tục neo cao trong năm 2024. Trong khi đó, về nội tại, 5/6 giàn khoan của PVD đã ký các hợp đồng tới hết năm 2025, đảm bảo được nguồn doanh thu ổn định cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo VietnamDaily
back to top