"Thời điểm đó, địch bắn phá ác liệt các sân bay miền Bắc, cất cánh được đã mừng lắm, chứ đừng nói tới không chiến. Thế nhưng, cuối cùng, không những ta đã cất cánh được mà còn hạ gục được B52", Trung tướng Phạm Tuân kể,
Anh hùng phi công Phạm Tuân kể về ký ức hạ gục B52.
50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về 12 ngày đêm hào hùng vẫn còn vẹn nguyên, rõ nét trong tâm trí Anh hùng phi công, Trung tướng Phạm Tuân. Ông chính là phi công đầu tiên bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội – góp công lớn vào chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.
“Lúc đó, cất cánh được đã là mừng lắm rồi”…
Cuối năm 1972, Mỹ tổ chức chiến dịch không kích quân sự cuối cùng Linebacker II, kéo dài 12 ngày đêm (18-29/12) đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc với mục đích tìm lại ưu thế trên bàn đàm phán khi Hội nghị Paris đi vào bế tắc.
Tuy nhiên, Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời cũng tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.
Trung tướng Phạm Tuân thời trẻ. Ảnh tư liệu.
Trung tướng Phạm Tuân kể lại, tình hình lúc đó rất khó khăn. Bởi địch nắm rất rõ chúng ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào, nghiên cứu rất kỹ lực lượng, phương tiện, nắm và thuộc từng sân bay của ta. Mỗi khi không quân của ta xuất kích, địch đều biết được. Ngoài ra, hệ thống làm nhiễu ra đa của chúng rất tốt, khiến không quân không thể bắn rơi được B52.
Suốt trong 7 ngày đầu tiên, từ 18-24/12, chúng ta cất cánh rất nhiều nhưng không bắn rơi được B52, ngược lại còn bị thiệt hại rất nhiều: 4 chiếc máy bay hỏng trên đường băng, 1 chiếc phải nhảy dù, 5 chiếc máy bay rơi.Điều đó gây áp lực rất lớn tới phi công, bởi đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao là phải bắn hạ được B52.
Địch còn bắn phá các sân bay rất ác liệt, khiến việc cất cánh được cũng đã khó khăn. Không còn sân bay, phi công phải tập cất cánh trên những đoạn đường băng còn lành lặn, hạ cánh ở đường băng đất, dùng tên lửa bổ trợ hai bên cánh để lấy đà bay lên...
"Bấy giờ cất cánh được đã là mừng lắm chứ đừng nói đến không chiến", Trung tướng Tuân nói. Thế nhưng, cuối cùng, ta không những cất cánh được mà còn bắn hạ được B52. Điều đó, xuất phát từ việc ta đã đánh theo phương án mới: toàn bộ lực lượng máy bay tiêm kích, sở chỉ huy không quân và ra-đa dẫn đường của ta được chuyển ra các sân bay nằm ở vòng ngoài, xa Hà Nội, hạn chế nhiễu. Ngoài ra, phi công chủ động đánh bằng mắt chứ không phụ thuộc bằng ra đa nữa.
B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu.
Đêm 27/12/1972, Phạm Tuân điều khiển máy bay tiêm kích MIG-21 xuất kích từ sân bay Yên Bái. Trong đêm tối, ông phát hiện rất nhiều máy bay yểm trợ cho B52.
Khi phát hiện ra mục tiêu, chiếc MIG-21 chỉ cách B-52 khoảng 10km. Phạm Tuân liền xin lệnh công kích, chiếc Mig-21 lúc đó chỉ còn cách B-52 khoảng 3km. Để chắc ăn, ông tiếp tục rút ngắn khoảng cách. Chiếc MiG-21 cũng tắt radar và các thiết bị liên lạc để B-52 không phát hiện ra. Sau đó, ông đã bắn rơi một chiếc trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK-8-9-1-2, rồi trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái.
“Nếu so kỹ thuật với phi công Mỹ có thể còn nhiều vấn đề, nhưng với sự sáng tạo cùng bản lĩnh, không quân đã góp phần bắn rơi 2 máy bay và đây là sự cố gắng lớn”, anh hùng phi công Phạm Tuân nói.
Trung tướng Phạm Tuân kể, sau này, khi gặp tù binh phi công Mỹ, ông hỏi: “Trước khi bay vào Việt Nam, các ông suy nghĩ gì?”, tù binh Mỹ trả lời: “Chúng tôi biết hết khí tài của các ông, từ tên lửa, máy bay, pháo… Chúng tôi có phương án chế áp và tự tin các ông không thể đánh được chúng tôi. Chúng tôi bay vào thả bom xong bay ra”.
Trung tướng Phạm Tuân hỏi tiếp: “Vậy giờ ông ngồi ở trong nhà tù của chúng tôi thì ông suy nghĩ gì?”. Tù binh phi công cười và nói: “Chúng tôi rất khó hiểu, đây một là một câu hỏi có lẽ chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều. Không hiểu làm sao mà các ông lại đánh được B52 của chúng tôi”.
Người anh hùng bình dị
Anh hùng phi công Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại Tiền Hải, Thái Bình. Ông kể, việc ông được làm phi công là một sự may mắn. Năm 1965, ông được gọi vào nhập ngũ khi đang học cấp 3. Với chiều cao 1,65m và nặng 52kg, ông thi tuyển phi công nhưng không đậu bởi thể trạng không đảm bảo.
Sau đó, ông đi học thợ máy, sửa chữa máy bay. Tháng 11/1965, ông sang Liên Xô. “Đúng lúc đó đang mùa lá vàng rơi. Tôi trên đường gặp rất nhiều phi công người Việt, trên mình mặc trang phục rất nhiều túi, xúng xính trong cặp da rất đẹp. Khi đó, tôi ngưỡng mộ họ lắm và thầm ước, giá như chỉ được ngồi trên máy bay một lần thôi rồi xuống cũng được, không cần trở thành phi công”, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Máy bay tiêm kích Mig-21 mang số hiệu 5121 phi công Phạm Tuân điều khiển bắn rơi B-52 trên bầu trời Hà Nội, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: QĐND.
Nhưng rồi, do thiếu phi công chiến đấu, Phạm Tuân được tuyển lại học phi công và tốt nghiệp trường Không quân Liên Xô năm 1967. Năm 1968 ông về nước chiến đấu. Giữa năm 1972, ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ máy bay B-52.
Những thành tích xuất sắc đã đưa tên tuổi Phạm Tuân không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang danh quốc tế. Thế nhưng, khi nói về mình, ông dùng từ “may mắn”. Từ việc trở thành phi công cũng 90% là may mắn cho tới nhiều việc sau này.
Nhưng ông cũng cho biết, may mắn thôi chưa đủ, mà còn ở bản lĩnh, biết nắm bắt, tận dụng, khai thác tối đa những cơ hội mà số phận dành cho mình.
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ, ông có cuộc sống đơn giản, không phức tạp. Sau khi bắn hạ B52, ông vẫn tiếp tục bay chiến đấu và ở Bộ Tư lệnh cho đến năm 1996, là Phó tư lệnh Không quân. Sau đó, ông chuyển sang làm Chủ nhiệm Tổng cục công nghiệp Quốc phòng cho đến lúc về hưu.
Vợ ông là bác sĩ quân y, khi chồng đi công tác xa, vợ ở nhà chăm con. Các con ông theo lĩnh vực tài chính, tự lập, không nhờ cậy bố.
Nhiều người nói ông không lo được cho con điều gì, còn quan điểm của ông chỉ lo cho con học hành thật tốt.“Còn học ra sao, tốt nghiệp rồi sau đi làm thế nào đó là việc của con", ông chia sẻ.
3 lần được phong anh hùng
Sau chiến công xuất sắc hạ B52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, phi công Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau đó, khi từ vũ trụ trở về, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi.
Mời quý độc giả xem video: "Anh hùng phi công Phạm Tuân kể về ký ức Điện Biên Phủ trên không". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.