Kỳ tích: 3 giờ hồi sinh bệnh nhi vỡ tim vì đập ngực vào vô lăng

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc, mạch nhanh nhỏ, kích thích vật vã, dọa tử vong. Ngay khi mở ngực, mở màng tim, trái tim trẻ đã ngừng đập hoàn toàn. Bằng sự cố gắng và nỗ lực hết mình, kíp phẫu thuật bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã hồi sinh sự sống cho trẻ.

Cấp cứu phẫu thuật tối khẩn cấp để cứu sống trẻ

Bệnh nhi V.K.A. (14 tháng tuổi, TP Vinh) được người thân cho ngồi phía trước vô lăng xe ô tô để đưa đi dạo. Khi người thân vô tình đạp nhầm chân ga và chân phanh, xe ô tô đã đâm thẳng vào bờ tường, khiến trẻ bị chấn thương va đập mạnh, lồng ngực bị ép vào vô lăng cứng. Ngay sau tai nạn, trẻ quấy khóc đau đớn, lơ mơ dần, được gia đình chuyển viện cấp cứu.

Bệnh nhi nhập Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tối 9/11 trong tình trạng sốc, mạch nhanh nhỏ, kích thích vật vã, doạ tử vong. Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển gấp lên Khoa Hồi sức Ngoại khoa. Đồng thời, bé được chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và siêu âm tim, chụp X-quang ngay tại giường bệnh.

vo-tim-tre4.jpg
Kỳ tích: 3 giờ hồi sinh bệnh nhi vỡ tim vì đập ngực vào vô lăng

Kết quả siêu âm tim xuất hiện hình ảnh chèn ép tim cấp, vỡ thành thất phải vị trí 1/3 dưới, X-quang tim phổi: hình ảnh tim to, tràn dịch màng tim, mờ 1/3 giữa phổi trái.

Nhanh chóng, các bác sĩ Khoa Hồi sức Ngoại tiến hành thăm khám, hồi sức tích cực. Bệnh nhi được xử trí đặt ống nội khí quản cấp cứu, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm kết hợp dùng các thuốc vận mạch kiểm soát huyết động để duy trì chức năng sống.

Đồng thời, báo động đỏ toàn viện huy động hội chẩn ekip các bác sĩ bao gồm Tim mạch, Hồi sức Ngoại, Gây mê và Ngoại Tổng hợp. Êkip thống nhất trẻ bị vỡ tim do chấn thương ngực kín, chấn thương đụng dập phổi trái và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn.

Các chuyên gia cho biết, quy trình báo động đỏ trong bệnh viện được đề ra là để cứu bệnh nhân nguy kịch trong thời gian từng giây, từng phút. Quy trình báo động đỏ bệnh viện áp dụng cho các trường hợp ngoại khoa cần phải mổ ngay để giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Nếu như trước đây khi tiếp nhận bệnh nhân nặng, trước tiên phải làm thủ tục tiếp nhận, sau đó bác sĩ cấp cứu khám, cho làm các chỉ định cận lâm sàng như chụp CT, X-quang, siêu âm… sau khi có kết quả sẽ mời bác sĩ trực của chuyên khoa bệnh đó xuống cấp cứu, khám và hội chẩn với trưởng khoa của họ hoặc hội chẩn với trực lãnh đạo, hội chẩn xong nếu bệnh nhân cần phải mổ thì báo phòng mổ chuẩn bị và chuyển bệnh nhân lên phòng mổ.

Còn khi triển khai báo động đỏ, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ trưởng tua trực cấp cứu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng nguy kịch là ngay lập tức phát tín hiệu báo động đỏ qua hệ thống loa toàn bệnh viện. Song song với tín hiệu phát qua hệ thống loa này, điều dưỡng trưởng tua trực sẽ gọi điện trực tiếp cho các khoa liên quan.

Trong vòng 5 phút, tất cả các bác sĩ, chuyên gia ở các khoa liên quan bắt buộc có mặt để hội chẩn ngay, không cần chờ thủ tục xét nghiệm, thủ tục hành chính, cận lâm sàng hay phải đi chỗ này chỗ khác hội chẩn.

Sau khi hội chẩn và thực hiện siêu âm hoặc chụp X-quang, CT- Scan tại giường, bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng mổ luôn. Đối với bộ phận phòng mổ khi nghe tín hiệu báo động đỏ họ phải chuẩn bị phòng mổ ngay, bắt buộc phải có máu truyền cho bệnh nhân chứ không phải chờ...

Quy trình báo động đỏ không chỉ rút ngắn khoảng 60 - 80% thời gian chuẩn bị cho 1 ca mổ cấp cứu mà, trong một khoảng thời gian ngắn còn tập trung được đủ được tất cả nguồn lực để cấp cứu cho bệnh nhân.

vo-tim-tre1.jpg
Thăm khám cho bệnh nhi trước khi ra viện.

3 giờ hồi sinh trái tim đã ngừng đập hoàn toàn

Êkip phẫu thuật tim hở, gây mê hồi sức chạy đua cùng thời gian ngay trong đêm để cứu trẻ. Ngay khi mở ngực, mở màng tim, trái tim trẻ đã ngừng đập hoàn toàn. Tình trạng máu tụ trong khoang màng tim rất nhiều, chảy từ trung thất ra ngoài lồng ngực với số lượng lớn.

Nhanh chóng, các bác sĩ phẫu thuật mở màng tim hút hết máu tụ; dùng tay bóp, kích thích tim trẻ hoạt động trở lại ngay trong lồng ngực. Sau 1 phút nỗ lực, trái tim trẻ đập trở lại bình thường.

Ngay sau đó, êkip tiến hành thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể bệnh nhi, phẫu thuật viên quan sát thấy tim trẻ bị rách nhĩ phải khoảng 1 cm sát tĩnh mạch chủ dưới. Rất nhanh chóng, phẫu thuật viên khâu vết rách vỡ tim của trẻ, kiểm soát tình trạng chảy máu, dẫn lưu phổi, màng ngoài tim và trung thất và đóng ngực.

02h sáng 10/11, ca mổ kết thúc sau 3 giờ phẫu thuật căng thẳng. Bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức Ngoại khoa để tiếp tục theo dõi và điều trị. Và với những nỗ lực cứu chữa hết lòng của đội ngũ y bác sĩ từ các chuyên khoa, bệnh nhi đã dần dần tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và các dẫn lưu, chức năng tim mạch hô hấp ổn định và sớm được ra viện bình an.

vo-tim-tre-3.jpg
Kỳ tích đã cứu sống trẻ, trẻ được xuất viện về nhà.

Vỡ tim thường có tổn thương rất phức tạp, có tỷ lệ tử vong rất cao, đặc biệt là các tổn thương lớn nếu không được thực hiện bởi các cơ sở chuyên khoa tim mạch do thiếu phương tiện về tim phổi máy, kinh nghiệm phẫu thuật và gây mê hồi sức tim mạch.

Tình trạng bệnh nhi V.K.A., là bệnh nhi rất nhỏ tuổi, khi nhập viện vô cùng nguy kịch. Sự nhạy bén, kinh nghiệm phẫu thuật tim trẻ em và quyết đoán trong cấp cứu của các bác sĩ đã cứu sống được bệnh nhân trong trường hợp này.

Qua đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ngồi trong lòng mình khi đang điều khiển ô tô; cần có ghế chuyên dụng, thắt dây an toàn cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông để tránh những thương tích nặng, đe dọa tử vong có thể xảy ra.

Theo Đời sống
back to top