Kỹ thuật tiêm cồn điều trị nang lành tuyến giáp

Chọc hút và tiêm cồn nang tuyến giáp là kỹ thuật ít xâm lấn, giúp loại bỏ nang hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Lợi ích và nguy cơ của tiêm cồn

Trao đổi về phương pháp này, TS.BS. Lê Văn Khảng, Trung tâm Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kỹ thuật chọc hút và tiêm cồn nang tuyến giáp là phương pháp tối ưu cho các nang lớn gây triệu chứng như: chèn ép, khó nuốt, đau hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ vì gây lồi cổ.

Ưu điểm lớn nhất là xâm lấn tối thiểu, chỉ sử dụng kim chọc khoảng 18G, không để lại sẹo, thực hiện trong 15-30 phút với gây tê tại chỗ, không cần nằm viện. Hiệu quả thấy rõ ngay sau điều trị, tỷ lệ tái phát thấp.

Về nguy cơ, biến chứng hiếm gặp nhưng cần cảnh giác rò cồn ra mô xung quanh làm tổn thương các cấu trúc lân cận như khí quản, thực quản... đặc biệt là thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng.

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện thủ thuật?

Theo TS.BS. Lê Văn Khảng, kỹ thuật chọc hút và tiêm cồn nang tuyến giáp được chỉ định cho những trường hợp: Nang lành tính kích thước >2cm, gây căng tức, khó thở, khó nuốt, đau hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ. Nang tái phát sau hút thông thường cũng có thể điều trị bằng phương pháp này.

Chống chỉ định: Người rối loạn đông máu nặng, nhiễm trùng cấp vùng cổ, bệnh nhân đang có các bệnh trầm trọng hơn đang cần điều trị các bệnh đó trước.

Khi thực hiện kỹ thuật này, người bệnh cần: Xét nghiệm máu cơ bản, đảm bảo tiểu cầu > 50G/l, chỉ số đông máu bình thường; Thăm khám nội tiết để loại trừ cường giáp hoặc suy giáp; Bác sĩ sẽ giải thích kỹ về quy trình và ký cam kết trước khi làm thủ thuật.

Theo TS.BS. Lê Văn Khảng, tiêm cồn nang giáp tiến hành khá đơn giản do tuyến giáp ở nông, quan sát rất rõ ràng trên siêu âm. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ nên hầu hết các trường hợp bệnh nhân không có cảm giác đau, chỉ đau nhẹ lúc gây tê ban đầu.

Bệnh nhân có thể có cảm giác đỏ mặt, nhịp tim nhanh do tác dụng của cồn, vì một lượng cồn sẽ thẩm thấu qua thành mạch vào máu, nhưng triệu chứng nhẹ và tự hết sau vài giờ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện kỹ thuật này, người bệnh không nên tự lái xe.

Hiếm gặp hơn là sưng đau vùng cổ, đáp ứng tốt với thuốc giảm đau, giảm viêm thông thường.

Các nang trung bình giảm 90% thể tích sau 1 lần điều trị. Bệnh nhân ra về ngay trong ngày. Chi phí khoảng 2,5 triệu đồng cho một lần tiêm cồn, thấp hơn nhiều so với phẫu thuật.

Bệnh nhân được hẹn kiểm tra lại vào các thời điểm 1-3 tháng, đánh giá đáp ứng điều trị. Thông thường sẽ đạt được hiệu quả diệt nang ngay sau điều trị. Một số ít trường hợp lượng dịch còn lại trong nang nhiều có thể tiến hành tiêm cồn lần hai. Thông thường rất hiếm trường hợp cần phải tiêm cồn lần ba.

Quy trình tiêm cồn diệt nang được thực hiện thế nào?

- Bước 1: Sát khuẩn vùng da vị trí chọc kim, gây tê tại chỗ.

- Bước 2: Dùng kim nhỏ (18-20G) chọc vào nang dưới hướng dẫn siêu âm, hút sạch dịch.

- Bước 3: Bơm cồn ethanol 96° vào nang (lượng cồn = 1/3 - 1/2 thể tích dịch hút), lưu cồn trong nang trong vòng 5 phút rồi rút hết.

- Bước 4: Băng ép vị trí chọc, theo dõi 2 - 4 giờ trước khi ra về.

Theo VietnamDaily
back to top