Kỳ thị làm gia tăng sự lây lan của virus
BS Trần Thu Nguyệt, Vụ phó Vụ Truyền thông thi đua, khen thưởng Bộ Y tế cho biết, sự kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe là sự liên hệ theo hướng tiêu cực một người hoặc một nhóm người nào đó có chung các đặc điểm nhất định và cùng mắc một loại bệnh. Trong một đợt bùng phát dịch, điều này có thể đồng nghĩa với việc bị gắn mác, bị quy chụp, phân biệt đối xử.
Du khách đến từ Italy tiến hành kiểm tra thân nhiệt tại Tây Ban Nha. |
Cách đối xử như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người đang mắc bệnh cũng như những người tham gia chăm sóc y tế, gia đình, bạn bè và cộng đồng. Cả những người tuy không mắc bệnh nhưng nếu có cùng những đặc điểm ngoại hình nhất định với người bị bệnh cũng có thể gặp phải sự kỳ thị.
Các cấp bậc của sự kỳ thị có liên quan đến Covid-19 xảy ra dựa trên 3 yếu tố: 1) Đây là một dịch bệnh mới và còn nhiều điều chưa biết về dịch bệnh này; 2) Ta thường sợ những điều còn chưa biết; và 3) rất dễ dàng để liên kết nỗi sợ hãi đó với “những người khác”.
Bối rối, lo lắng, và sợ hãi trong cộng động là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những điều đó cũng góp phần tiếp thêm cho những quy chụp tiêu cực.
Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt, WHO đã đánh giá, kỳ thị có thể làm suy yếu sự gắn kết của xã hội và thúc đẩy sự cô lập một số nhóm, góp phần làm gia tăng tình trạng lây lan của virus. Điều này cũng có thể dẫn đến hệ quả là những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn cũng như các khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Bởi sự kỳ thị có thể làm cho người bệnh che giấu việc mình mang bệnh để tránh bị phân biệt đối xử; Ngăn người bệnh nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời; Ngăn mọi người có một thái độ và cách ứng xử lành mạnh
Làm đúng và nói đúng
Các bằng chứng cho thấy, sự kỳ thị và sợ hãi có thể ảnh hưởng và gây cản trở đến việc đáp ứng với phòng và điều trị bệnh. Điều nên làm là đặt niềm tin vào các dịch vụ y tế và lời khuyên đáng tin cậy từ các cơ quan chức năng, đồng cảm với những người mắc bệnh, hiểu đúng về căn bệnh cũng như áp dụng các biện pháp thực tế và hiệu quả để giữ an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.
ThS Trần Thu Nguyệt nhấn mạnh, cách ta nói chuyện với nhau về Covid-19 là vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ mọi người thực hiện các hành động hiệu quả vừa để phòng chống dịch vừa tránh xa sự sợ hãi và kỳ thị. Tốt nhất khi nói về dịch bệnh nên sử dụng ngôn từ mang tính chất tôn trọng. Không nên gắn kèm địa danh hoặc dân tộc với dịch bệnh, đây không phải là “Virus Vũ Hán”, “Virus Trung Quốc”, hay “Virus Châu Á”. Không nên sử dụng những từ như “nạn nhân” để nói về người có liên quan đến Covid-19.
Không nên lặp lại hoặc chia sẻ những tin đồn chưa được kiểm chứng, tránh sử dụng các ngôn từ phóng đại làm gia tăng cảm giác sợ hãi như “tai ương” hoặc “tận thế”...
Trên mạng xã hội,cần cân nhắc kỹ trước khi phát ngôn và thể hiện tinh thần hỗ trợ quanh dịch bệnh Covid-19.
Các thông tin sai lệch và tin đồn đang được phát tán với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ lây lan của Covid-19. Điều này gây ra những hệ lụy tiêu cực như sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đang trong vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi công dân là nghe và làm theo những khuyến cáo của các cơ quan y tế, không hoang mang và lan truyền những tin tức chưa được kiểm chứng.