Tại Việt Nam, những vụ cháy ô tô khi đang lưu thông trên đường xảy ra thường xuyên. Nhiều chiếc xe còn khá mới, thậm chí mới chỉ đi được vài tháng và còn trong thời gian bảo hành bất ngờ bị "bà hỏa" thiêu rụi trơ khung gây thiệt hại không nhỏ cho nạn nhân.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, chủ gara ô tô Lê Văn Tạch (Vĩnh Phúc) nhận định, chập điện là một trong những lý do thông dụng và cũng là đáng sợ nhất có thể gây ra các vụ cháy xe.
Theo ông Lê Văn Tạch, giả định rằng loại trừ các nguyên nhân ngoại cảnh như đi vào đường rơm rạ, đâm va trong tai nạn giao thông, nhiên liệu kém chất lượng hoặc hành vi phá hoại có chủ đích... thì tia lửa điện là điều phải nghĩ đến khi các xe còn mới mà bị cháy.
Hệ thống điện không chỉ gói gọn ở khoang động cơ mà còn xuất hiện nhiều vị trí trên xe, từ bảng đồng hồ đến cửa ra vào, dưới thảm trải sàn, dưới ghế… nếu dây dẫn bị hở, chạm mạch có thể gây cháy.
Khi được hỏi là giả định rằng nếu hệ thống ống dẫn nhiên liệu bị chuột cắn gây thủng và phun nhiên liệu ra, có gây cháy xe không? Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, nhiên liệu phun ra cũng cần có tia lửa điện mới gây cháy lập tức được.
Ông Lê Văn Tạch cũng cho hay là một số dòng xe đời mới có trang bị cảm biến áp suất bình nhiên liệu, sẽ có tín hiệu cảnh báo nếu bị rò rỉ trên đường ống bơm nhiên liệu.
Một nguyên nhân khác nữa có thể do con ốc tiếp mát không được siết chặt khiến ốc lỏng dần dẫn đến đánh lửa. Ngoài ra, khi rửa xe hoặc đi trong trời mưa hay vùng ngập nước, nếu nước vào các điểm đấu nối, giắc cắm mà tại điểm đó không có khả năng chống nước thì cũng có thể dẫn đến chạm chập điện.
Bên cạnh đó, một số xe có thể được lắp thêm các thiết bị sử dụng điện gây quá tải cho hệ thống. Việc sử dụng dây điện không chuyên dụng, mối nối không chặt chẽ cũng tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Trong ô tô, các vật liệu dễ bắt lửa như: nỉ, da, tấm xốp, vách ngăn... rất dễ bắt lửa có thể bùng cháy nhanh chóng khi có tia lửa điện bắt vào.
"Vẫn nên mở nắp ca pô và nhìn một lượt sau vài tuần chạy xe. Chỉ cần có dấu hiệu bất thường như chất lỏng rò rỉ, chuột bọ, dây dẫn bị hư hại… nên mang xe vào gara để khắc phục ngay", kỹ sư Lê Văn Tạch tư vấn.
Theo Hiệp hội Chữa cháy Quốc gia Hoa Kỳ (NFPA), hầu hết tai nạn cháy xe thường xảy ra do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, các yếu tố đó đến từ con người, nguyên nhân cơ học và nguyên nhân hóa học.
Đầu tiên có thể kể đến lỗi thiết kế. Về cơ bản, không phải lỗi thiết kế nào cũng gây ra hỏa hoạn, tuy nhiên có một vài lỗi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để gây ra cháy. Chẳng hạn như việc bố trí các dây điện bên trong xe không đủ an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn do chập mạch, hay các bộ phận phát ra nguồn nhiệt cao được đặt gần bình chứa nhiên liệu cũng có khả năng khiến chiếc xe bốc cháy.
Thông thường, các nhà sản xuất sẽ phát hiện các sự cố này trước khi nó xuất hiện phổ biến. Hãng sẽ đưa ra các lệnh triệu hồi để thay thế cũng như bố trí lại thiết kế.
Một nguyên nhân quan trọng và phổ biến nữa là việc lắp thêm các trang bị như: camera hành trình, đèn, thiết bị âm thanh... Việc lắp đặt các phụ kiện không đúng cách, cũng như không có các bộ phận đảm bảo an toàn như cầu chì, quạt tản nhiệt... sẽ tiềm ẩn không ít nguy cơ xảy ra quá nhiệt và cháy nổ...