Chỉ 2 tháng trước, Indonesia đã viện trợ cho Ấn Độ hàng nghìn bình ôxy để đối phó với đại dịch Covid-19. Còn bây giờ, quốc gia Đông Nam Á đang cạn kiệt ôxy khi đối mặt với làn sóng Covid-19 mới, buộc chính phủ phải tìm kiếm nguồn cung ôxy khẩn cấp từ nước ngoài, bao gồm Singapore và Trung Quốc.
Luhut Binsar Pandjaitan, quan chức phụ trách ứng phó đại dịch của chính phủ Indonesia, cho biết một lô hàng gồm hơn 1.000 bình ôxy, máy tạo ôxy, máy thở và các thiết bị y tế khác đã được chuyển từ Singapore đến Indonesia hôm 9/7. Sau đó, Indonesia tiếp tục nhận thêm 1.000 máy thở từ Australia.
Ông Pandjaitan cho biết ngoài những khoản viện trợ trên, Indonesia có kế hoạch mua 36.000 tấn ôxy và 10.000 máy tạo ôxy từ Singapore. Indonesia cũng đang liên hệ với Trung Quốc và các nhà cung cấp ôxy tiềm năng khác. Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đề nghị giúp đỡ Indonesia.
"Chúng tôi nhận thấy tình hình khó khăn mà Indonesia đang gặp phải với sự gia tăng số ca mắc Covid-19", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Theo bà Psaki, ngoài việc gửi vắc xin, Mỹ cũng đang tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực ứng phó với Covid-19 trên diện rộng của Indonesia.
Chính phủ Australia trong tuần này cho biết họ sẽ gửi 1.000 máy thở, 700 máy tạo ôxy, 170 bình ôxy và 40.000 bộ dụng cụ xét nghiệm tới Indonesia. Australia cũng cam kết sẽ gửi cho Indonesia 2,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca trong năm nay.
Những con số kỷ lục
Cho đến nay, Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, đã ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm và hơn 64.600 ca tử vong vì Covid-19. Nhiều người cho rằng con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều, do tỷ lệ xét nghiệm thấp và các biện pháp truy vết tiếp xúc chưa hiệu quả ở Indonesia.
Indonesia ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục là 1.040 người hôm 7/7 và gần 39.000 trường ca nhiễm mới trong ngày 8/7 và 9/7.
Các bệnh viện tại Indonesia rơi vào tình trạng quá tải. Số ca tử vong khi đang cách ly tại nhà hoặc đang chờ điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng.
"Nhiều bác sĩ và y tá bị nhiễm bệnh, đồng nghĩa với việc họ không thể làm việc", Andreas Harsono, nhà nghiên cứu người Indonesia tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói với ABC.
"Mọi người tức giận, mọi người thất vọng. Nhưng đồng thời cũng cảm thấy bất lực", ông Harsono cho biết thêm.
Tại Java, hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, các bệnh viện đã bắt đầu thành lập các phòng điều trị tích cực "dã chiến" dành cho bệnh nhân Covid-19 từ giữa tháng 6.
Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi suốt nhiều ngày để được nhập viện. Các bình dưỡng khí đã được đặt trên các lối đi dành cho những người may mắn, trong khi những người khác được thông báo rằng họ phải tự tìm ôxy để thở.
Các phòng cấp cứu tại một bệnh viện công ở thành phố Bandung đã đóng cửa vào đầu tuần này sau khi cạn kiệt ôxy, trong bối cảnh người dân đổ xô tích trữ ôxy do số ca nhiễm tăng cao ở thủ phủ tỉnh Tây Java.
Tại một bệnh viện ở Yogyakarta, miền trung Java, 63 bệnh nhân Covid-19 chết trong một ngày, trong đó có 33 trường hợp tử vong khi nguồn cung ôxy tại bệnh viện ngừng hoạt động.
Indonesia đã tặng 3.400 bình ôxy và máy tạo ôxy cho Ấn Độ khi làn sóng Covid-19 tàn phá Ấn Độ cách đây vài tháng. Sau đó, Indonesia đã hủy kế hoạch gửi thêm 2.000 máy tạo ôxy đến Ấn Độ vào cuối tháng 6, khi số ca nhiễm tại nước này tăng vọt.
Ông Pandjaitan cho biết ông đã yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất ôxy trong nước phải phục vụ cho mục đích y tế trước. Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, ông cảnh báo rằng Indonesia có thể đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất với 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Ông cũng cho biết, 2 tuần tới sẽ là thời điểm rất quan trọng với Indonesia.
"Chúng ta đang chạy đua với thời gian. Chúng ta phải hành động nhanh chóng", ông Pandjaitan nhấn mạnh.
Theo ABC