<div> <p><b>Cưỡng chế</b></p> <p>Những ngày qua, tình hình dân cư ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn trở nên nóng bỏng. Quanh thị trấn nhỏ bé này có tới 5 khu dân cư đã và đang triển khai ồ ạt, rao bán đất. Vậy nhưng xem ra, “cơn khát đất” vẫn chưa dừng lại.</p> <p>Ngày 24/8/2020, UBND huyện Bình Sơn ra Quyết định (số 1884/QĐ-UB) về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Võ Thị Liễn (trú Đội II, thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn). Người dân lập tức điện thoại cho các văn phòng luật sư ở TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để hỏi “đây là dự án thương mại của tư nhân, vậy thì chính quyền có được đưa lực lượng chức năng tới cưỡng chế thu hồi đất hay không?”.</p> <p>Theo hồ sơ pháp lý, ngày 16/3/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định (số 447 QĐ-UB) về chủ trương đầu tư khu dân cư Kè Bắc sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, do Công ty TNHH TM Phú Đại Phát và Công ty CP ĐT và xây dựng 501 (trụ sở tại TP Đà Nẵng) bỏ vốn đầu tư xây dựng khu dân cư, tổng diện tích 400.399 m<sup>2</sup> (bao gồm đất ở, đất cây xanh, đất công cộng, giao thông…), trong đó có 1.093 lô đất nhà ở.</p> <p>Ngay sau khi có thông tin cưỡng chế, bà con nông dân đã đồng loạt ký đơn kiến nghị, nhiều người lại bắt đầu thấp thỏm bỏ việc để ra canh ruộng rẫy. Có địa điểm mà nông dân không canh trực nổi, xe ủi của doanh nghiệp đã láng luôn ruộng ngô thành mặt bằng, bà con đành phải cắm cọc, rồi chăng dây cảnh báo để đánh dấu mảnh vườn, nguồn mưu sinh duy nhất của họ.</p> <p>Trời nắng như đổ lửa, nhưng anh Nguyễn Tiến Chí, nông dân ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn không dám về nhà, phải quanh quẩn bên nương ngô. Nương ngô của anh tới giờ này đã biến thành một cái ao sâu cả mét. Hình ảnh trên giống như tình cảnh của nhiều hộ dân ở dự án khu dân cư 577 ở phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi). Khu dân cư này ở ngay trung tâm TP Quảng Ngãi, nhà của nhiều hộ gia đình tự dưng trở thành chiếc ao chứa nước. Lý do là bà con bám trụ lại, không nhận đền bù nên bị doanh nghiệp đồ đất đầy vun tới ngang nóc nhà!</p> <p>Anh Chí cho biết, khu dân cư Kè Bắc sông Trà Bồng ùn ùn đang được thi công, những người không đồng tình giao đất cho doanh nghiệp và nhận tiền đền bù thì sẽ bị doanh nghiệp “khủng bố” bằng đất. Xe ủi dồn đất đỏ bao vây ruộng ngô, cắt đứt nguồn nước thủy lợi, rẫy ngô của họ nằm lọt thỏm, bà con thấp thỏm, tỏ ra lo sợ rằng, nếu về nhà thì xe ủi sẽ san bằng ruộng ngô, đuối chứng lý để đấu tranh.</p> <p>Nếu nhìn từ trên cao, khu dân cư Kè Bắc Sông Trà Bồng giống như một vùng chiến địa. Giữa bãi đất đỏ lố nhố nhưng nương rẫy bị bao vây bằng đất. Trước đó, nhóm phóng viên ở một số cơ quan báo chí tiếp cận hiện trường thì có người xưng đang làm cho doanh nghiệp kè sát, gây khó dễ, có phóng viên sau đó liên tục nhận tin nhắn hăm dọa sẽ tác động đến “người trên cao” sa thải.</p> <p>Nhiều người dân phản ánh việc cán bộ địa phương “nhiệt tình quá mức”, liên tục mời họp, gặp gỡ, hối thúc họ “thôi giao đất đi”. Có nơi người dân còn bị bóng gió nhắn tin dọa.</p> <p>Anh Phạm Minh Việt, con trai bà Võ Thị Liễn, hộ dân bị cưỡng chế, cho biết: Mặc dù giữa bão dịch COVID-19, anh vẫn phải lên UBND huyện Bình Sơn để làm việc cùng lúc với 13 cán bộ, trong đó có cả công an. Anh Việt từ chối vì đang trong đợt dịch COVID-19 nhưng không được. Người dân đã nhiều lần bị nhắn tin dọa sẽ cưỡng chế, thu bắp, đậu và họ đã bị cưỡng chế thật.</p> <p><b style="font-size: 14px;">Mập mờ những dự án bất động sản</b></p> <p>Một số lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi đã bị kỷ luật với nhiều nguyên nhân, trong đó có sai phạm liên quan đến những dự án bất động sản. Tuy nhiên, các dự án bất động sản tại Quảng Ngãi vẫn được mở rộng và thực hiện. UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa trình HĐND cùng cấp ra nghị quyết thu hồi 9,6 ha đất lúa để giao cho liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hợp Nghĩa và Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại - Dịch vụ Thái Bảo để triển khai Dự án Khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ tại KCN Tịnh Phong, với tổng diện tích 13,57 ha (diện tích đất lúa lên tới 9,6 ha). Vị trí dự án này chưa có quy hoạch phân khu chức năng, được Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư số 377/QĐ-BQL ngày 22/11/2019.</p> <p>Điểm bất hợp lý đó là cứ mỗi buổi sáng, tuyến đường ra các khu công nghiệp này luôn ùn tắc bởi hàng ngàn công nhân đi xe máy cá nhân. Sinh thêm một khu dân cư giữa tâm điểm ùn tắc thì không khác gì tự “lấy dao chặt chân” mình. Bên cạnh đó, thời điểm đơn vị này bắt đầu thi công (vào khoảng tháng 4/2020) thì dự án vẫn chưa có hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ông Lê Trung Việt, người từng tham gia HĐND tỉnh 3 khóa, giữ nhiều cương vị ở HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi từng đề cập việc ồ ạt cấp đất cho doanh nghiệp phân lô bán nền. Ông Việt chất vấn rằng, có tới 3 vạn công nhân ở Khu Công nghiệp VSIP, tại sao chưa có một khu chung cư nào dành cho công nhân nghèo có chỗ ở?</p> <p>Cách đây chưa lâu, người dân ở xã Phổ Châu và Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) nêu ý kiến thắc mắc về việc “tại sao dự án khu dân cư Sa Huỳnh đang triển khai trên cánh đồng muối Tân Diêm có đến hai ông chủ?”. Từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương giao 20 ha đất cho Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Ân Phú xây dựng khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh (gồm 337 lô đất nhà liền kề, 112 lô biệt thự). Tuy nhiên, người dân khá bất ngờ khi phát hiện ra có một công ty khác cũng nói rằng họ được cấp phép và rao bán đất, trong khi đất thì vẫn chìm dưới cánh đồng muối!</p> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p>Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp 109 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư cho các doanh nghiệp bất động sản với tổng diện tích 1.593,82 ha (tổng số lô đất nền là 45.243 lô). Có một số ít dự án triển khai trên đất phèn, sỏi đá, khó canh tác. Nhiều dự án khác, nông dân đang khiếu nại, điển hình là một số dự án ở huyện Bình Sơn nằm ven sông Trà Bồng.</p> </blockquote> </div> <p> </p> </div> <p> </p>