Nhanh đi cùng với độ chính xác thấp
Trong khi ở Việt Nam, nhiều nhóm nghiên cứu đã công bố chế tạo thành công kit thử Covid-19, có khả năng sản xuất hàng loạt đáp ứng nhu cầu phòng dịch, thì thông tin Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ bộ sinh phẩm, kit chẩn đoán nhanh Covid-19 khiến không ít người hoài nghi, đặt câu hỏi.
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đồng tác giả của bộ sinh phẩm phát hiện Covid-19 bằng công nghệ realtime RT-PCR cho biết, bộ kit của Hàn Quốc khác hẳn về mặt công nghệ so với bộ kit của Việt Nam. Bộ kit của Hàn Quốc là kit test nhanh, không phải loại sử dụng công nghệ realtime RT-PCR như đã nói ở trên của Việt Nam. Nếu số lượng người nghi ngờ nhiễm virus Covid-19 quá nhiều thì cần đến khâu sàng lọc nhanh trước, sau đó mới dùng đến kit realtime RT-PCR để đảm bảo chính xác.
Bộ kit test nhanh của Hàn Quốc dựa trên nguyên lý sắc ký miễn dịch, sử dụng phổ biến trong các kit thử thông dụng hiện nay, thực hiện rất nhanh nhưng độ chính xác không cao. Công nghệ này sử dụng 2 cách để phát hiện ra virus là phát hiện trực tiếp kháng nguyên của virus trong bệnh phẩm và tìm ra kháng thể ICM trong máu. Chỉ trong vòng 15-20 phút là kit thử này sẽ cho kết quả. Trong trường hợp số lượng bệnh nhân quá lớn thì loại kit thử này lại phát huy tác dụng. Phòng dịch thì phải sử dụng cùng lúc nhiều phương án nên việc Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ bộ kit này cũng là điều dễ hiểu.
Cần có kit thử nhanh để sàng lọc
Hiện Việt Nam đã bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống Covid-19, phức tạp và nhiều khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. 5 kịch bản tương ứng với 5 cấp độ dịch được xây dựng, trong đó cấp độ xấu với số ca nhiễm lên tới trên 1.000 ca nhiễm. PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể sản xuất được loại kit thử nhanh này, vấn đề là cần có chủ trương thực hiện, thời gian cũng như đầu tư, bởi công nghệ để sản xuất kit thử không quá khó.
Ngay cả việc công bố có thể tự sản xuất kit phát hiện Covid-19 thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu là sinh phẩm. Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, đó là các công nghệ hóa học cực kỳ phức tạp, ngay cả các nước tiên tiến không phải nước nào cũng làm được như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada… mới có thể tổng hợp được. Do đó, để sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện Covid-19 thì chúng ta phải tự thiết kế rồi đặt hàng ở nước ngoài để họ tổng hợp. Việt Nam hiện chưa tổng hợp được sinh phẩm này vì nó là một dạng công nghệ hóa học cao.
TS Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết với kỹ thuật xét nghiệm hiện nay của Việt Nam, nếu dịch phát triển đến cấp độ 1.000 ca nhiễm thì vô cùng khó khăn và gần như không thể đáp ứng xét nghiệm. Nói một cách ngắn gọn là kỹ thuật xét nghiệm của Việt Nam cho độ chính xác cao lên đến 100% nhưng dùng sức người nhiều. Dù đã nghiên cứu sản xuất thành công bộ test kit, nếu đưa vào sản xuất, công suất có thể đáp ứng 10.000 bộ/ngày, thậm chí gấp ba là có thật, nhưng năng lực xét nghiệm cho kết quả thì khó lòng đáp ứng do lực lượng chuyên môn không đủ.
Bảo Khánh