Kinh tế quý II và các quý còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn

(khoahocdoisong.vn) - Kinh tế quý II và các quý còn lại của năm sẽ đối diện nhiều khó khăn do các yếu tố nội tại cũng như diễn biến bất định của thị trường thế giới, xu hướng suy giảm tăng trưởng của các thị trường lớn - đây là dự báo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Ðình Cung, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II - IV/2019 sẽ không thuận lợi, do chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, tác động trực tiếp tới nền kinh tế trong nước. Kết quả khảo sát của Nhật báo phố Wall (Mỹ), xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%%, 45,7% và 39,1%. Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ cũng có thể sẽ được cân nhắc thận trọng hơn. 

Ông Cung cũng dẫn khảo sát của Reuters trong giai đoạn 11 - 14/3 cũng cho thấy, 55% ý kiến dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất một lần trước quý IV (trong khi lần khảo sát trước cho đồng thuận là tăng lãi suất trong quý II). Ðiều này thể hiện rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng. Hiện tại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại. Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác (chẳng hạn, Nhật Bản).

Kinh tế Việt Nam đang kỳ vọng vào việc phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, khả năng phê chuẩn có thể sẽ chậm do EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ, đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý I) nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt. Vì vậy, những kỳ vọng về thúc đẩy xuất khẩu qua EVFTA đóng góp vào mức tăng của tăng trưởng GDP cũng còn chưa rõ ràng. Chưa kể, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.

Cũng theo ông Cung, thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị…, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào Việt Nam. Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh hội nhập đã rất sâu rộng, độ mở nền kinh tế rất cao, ở mức 230% như hiện nay, nếu có những biến động bên ngoài mà nội tại nền kinh tế chưa có sự phát triển ổn định thì chắc chắn tác động là rất lớn.

Theo Đời sống
back to top