Vàng có thể lên trên 60 triệu đồng/lượng
Giá vàng đã có lúc đạt 1.982USD/ounce, làm lu mờ kỷ lục trước đó là 1.921USD/ounce được thiết lập vào năm 2011. Trong năm nay, giá vàng tăng lên khoảng 27% và có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai.
Theo dữ liệu của BlackRock iShares, dòng tiền vào các quỹ giao dịch vàng (ETF) trên toàn cầu là khoảng 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Quỹ khai thác vàng VanEck niêm yết tại sàn ASX đã tăng 44%, đưa cổ phiếu quỹ này lên mức kỷ lục 60,75USD.
Riêng tháng vừa qua, giá vàng ước tăng khoảng 9,5%, mức tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở giai đoạn tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.
Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 với chủng virus mới đang ngày càng phức tạp, số ca lây nhiễm và tử vong trên thế giới không ngừng tăng. Khiến khả năng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia vốn mong manh, nay lại thêm khó khăn hơn.
Hàng loạt các chính sách “tiền rẻ” (lãi suất thấp để kích thích kinh tế) được tung ra sẽ tác động đến giá trị đồng bạc xanh, làm thay đổi giá vàng. Chính sách tiền tệ ôn hoà thường có hại cho đồng USD, nhưng tích cực với giá vàng. Trong khi đó thì USD đang giao dịch ở mức thấp trong 22 tháng qua.
Daniel Hynes, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ cho rằng, lợi suất trái phiếu giảm cùng với nguy cơ tăng lạm phát, căng thẳng leo thang giữa hai nước lớn đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư, buộc họ phải chọn kênh trú ẩn tài sản an toàn là vàng.
Ông Joshua Rotbart, quản lý của Rotbart & Co nhận định - “với các điều kiện hiện tại về nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thất nghiệp tăng nhanh, đồng USD yếu, tôi nghĩ chắc chắn giá vàng sẽ vượt qua mốc 2.000USD”.
“Vàng đang là kênh đầu tư an toàn và có lợi nhất trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn” - Ông Stephen Innes, kinh tế trưởng của AxiCorp cho hay. Vì vậy, giá vàng hiện nay chưa phải là mức đỉnh và kỷ lục vàng tăng giá vẫn chưa có hồi kết.
Dự báo giá vàng tăng trong dài hạn. |
Các nhà phân tích của Tập đoàn tài chính UBS (Thuỵ Sĩ) dự kiến vàng sẽ lên tới 2.000USD vào cuối năm nay. Còn theo số liệu thuật toán của Gov Capital, giá vàng tương lai sẽ là 2.198USD (có nghĩa giá vàng trong nước có thể lên trên mức 60 triệu đồng/lượng).
Thậm chí, chiến lược gia của Bank of America, ông Michael Widmer tháng trước đã dự báo giá kim loại quý này có thể đạt tới ngưỡng 3.000USD/ounce. Ông Widmer cho rằng, sự đột biến sẽ được thúc đẩy bởi sự bất ổn trên toàn cầu - ít nhất là còn tiếp diễn trong vài năm tới.
Thị trường vàng: Có chống được đầu cơ?
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, về dài hạn giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao, nhưng chắc chắn không có yếu tố đầu cơ “bong bóng” vàng như năm 2011.
Thực tế, giá vàng trong nước đã vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng và đang tiệm cận với mốc 60 triệu đồng/lượng. Đà tăng này có thể kéo dài tới năm 2021. Vì vậy, so sánh với mức đỉnh 49,4 triệu đồng/lượng đạt được chỉ trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi của năm 2011, rõ ràng vàng hiện nay đã được thiết lập ở vùng giá mới.
Hơn nữa, nền tảng để tăng giá vàng thời điểm này là xuất phát từ nhu cầu trú ẩn thật sự của nhà đầu tư trước tình hình kinh tế, chính trị và xã hội nhiều biến động theo hướng tiêu cực trên thế giới, các kênh đầu tư tài sản khác đều tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, vàng nổi bật không chỉ vì vai trò lịch sử của nó như là kho tích trữ của cải, là hàng rào chống lại sức mua yếu, mà còn vì tiềm năng về giá của vàng có thể bùng nổ trong năm 2021. Tuy nhiên, nhận định về vấn đề vàng tăng giá, chuyên gia trong nước và quốc tế lại có nhận định khá mâu thuẫn.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, giá vàng trong nước hiện nay đang bám sát với quốc tế nên không có chuyện đầu cơ, làm giá. Thế giới càng bất ổn thì giá vàng càng tăng, theo đó giá vàng trong nước cũng phải tăng.
Ông Alber Cheng, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thị trường vàng Singapore cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư nên đặt câu hỏi “Nên đầu tư vàng với bao nhiêu tiền?” thay vì tìm hiểu “Khi nào nên đầu tư vàng?”. “Mỗi nhà đầu tư nên có ít vàng trong danh mục đầu tư của mình”, ông Cheng nhấn mạnh.
Thông thường, các cố vấn tài chính khuyến nghị nhà đầu tư phân bổ vàng từ 1 - 5% tổng danh mục đầu tư cá nhân. Ông Cheng nói rằng có thể thay đổi cao hơn từ 5 - 15%. Nghĩa là, theo chuyên gia này, vàng là sản phẩm có thể kinh doanh và với dự báo giá vàng sẽ tăng, thật khó để hình dung xu hướng đầu cơ vàng sẽ không xảy ra.
Trong khi đó, đa số các chuyên gia kinh tế trong nước lại đưa ra khuyến nghị “dè dặt” hơn.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc mua vàng tuỳ thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân, song các nhà đầu tư nên đảm bảo nguyên tắc phân tán rủi ro, vì cái gì cũng có 2 mặt. Triển vọng tăng giá vàng cho thấy lợi nhuận tiềm năng cao phía trước. Tuy nhiên, với mức giá đã ở ngưỡng cao trong dài hạn, chi phí đầu vào là không hề thấp.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thời điểm này nhà đầu tư không nên chọn vàng để lướt sóng ngắn hạn, vì thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhưng về trung hạn và dài hạn giá vàng tiếp tục tăng.
Trong ngắn hạn, vàng có thể giảm nhẹ do các nhà đầu tư chốt lời, nhưng xu hướng vẫn là tăng trong dài hạn. Nếu thị trường chứng khoán tăng trở lại, cũng không có nghĩa vàng sẽ mất đà tăng.
Tuy nhiên, cần lưu ý tới thực tế, Việt Nam hiện cấm sàn vàng, nói cách khác là cấm các hoạt động đầu cơ vàng tài khoản. Do thế, trong nhiều năm trở lại đây, thị trường vàng trong nước khá bình ổn, dù chênh lệch với giá quốc tế vẫn có. Vấn đề là, khi kinh tế trong nước và thế giới khủng hoảng vì dịch bệnh, chiến tranh thương mại, vàng trở lại đúng giá trị là nơi trú ẩn tốt, sau đó thành kênh đầu tư, kênh đầu cơ tốt.
Tại Việt Nam, chính sách tiền rẻ, bơm tiền cứu tăng trưởng đã xuất hiện, nhưng câu hỏi đặt ra là ngăn dòng vốn chuyển sang đầu cơ trong thời điểm này liệu có là quá sức với các cơ quan quản lý? Đặc biệt, khi ranh giới phân biệt giữa quyền kinh doanh với chống đầu cơ lại rất mong manh?