Kinh nghiệm chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù

Lần đầu leo Tà Chì Nhù (Trạm Tấu, Yên Bái) - đỉnh núi cao thứ 7 Việt Nam, Hà và nhóm bạn có trải nghiệm tuyệt vời về hành trình, đích đến và sức khoẻ.

Tháng 10 hàng năm, khi hoa Chi pâu nở rộ trên nóc nhà Yên Bái, là thời điểm lý tưởng hút các tín đồ trekking vượt núi, băng rừng chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. “Chi pâu” trong tiếng Mông nghĩa là “không biết”. Sau hành trình vất vả, nhiều lần chỉ muốn bỏ cuộc, bạn sẽ nhận được phần thưởng là cả sườn núi mênh mông phủ kín hoa Chi pâu, bình minh dần hé rực rỡ trên biển mây bồng bềnh trắng muốt.

Vật dụng cần thiết khi leo núi

Người leo núi nên chuẩn bị một đôi giày chống nước, đế có độ bám dính tốt, giày to hơn chân từ 1-2 cỡ. Bạn cũng nên cắt sát móng chân phòng lúc xuống núi ngón chân thúc vào mũi giày gây đau nhức, tụ máu. Nên chuẩn bị từ 2-3 đôi tất dày, cao cổ bảo vệ chân, chống côn trùng.

Với chuyến đi leo núi từ 1-2 ngày, chiếc ba lô dung tích 15-20 lít là đủ. Người leo núi nên mua ba lô trọng lượng nhẹ, có đai trợ lực. Chiếc đai trợ lực giúp phân chia bớt lực vào hông, giảm tải lực tác động lên vai khi di chuyển.

Nên chọn quần áo leo núi loại co giãn, nhanh khô, thấm hút mồ hôi. Lưu ý mặc quần áo dài tránh va quệt một số loại cây thân gai trên đường đi hoặc các loại côn trùng như vắt hay sâu. Việc chuẩn bị áo gió hai lớp là rất cần thiết vì thời tiết trên núi khá lạnh.

Để đi qua các địa hình dễ dàng hơn, gậy leo núi giúp phân bố lực lúc lên, giảm đau đầu gối khi xuống núi và hỗ trợ người leo giữ thăng bằng, kiểm tra địa hình nếu phải qua suối.

Dù đi tour hay tự túc, người leo núi cũng cần chuẩn bị một số đồ y tế cơ bản để có thể chủ động trong mọi tình huống. Các loại thuốc như thuốc đau đầu, hạ sốt, tiêu chảy, trà gừng, kem/xịt chống muỗi. Nên chuẩn bị nước, viên sủi/bột điện giải ngừa mất nước, gel năng lượng hồi sức trong suốt chặng đường. Leo dốc liên tục dễ bị căng cơ, chuột rút, do vậy chai xịt căng cơ cũng rất cần thiết để sơ cứu khẩn cấp.

Ngoài ra, bạn có thể mang theo pin dự phòng điện thoại để thoả sức ghi lại những bức hình đẹp suốt hành trình. Mũ chống nước, bao tay chống nắng, gang tay, khăn đa năng, đèn pin cũng là những vật dụng cần thiết cho chuyến leo núi suôn sẻ.

Đặc biệt, dù tham gia bất cứ hoạt động thể thao nào, bạn cũng nên giữ sức khoẻ ổn định, đảm bảo dinh dưỡng, thể dục đều đặn để có thể trạng tốt nhất. Leo núi sẽ khiến cho bạn thấy được tầm quan trọng của việc tập thể dục đều đặn. Tránh xa các loại đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê gây mất ngủ tối hôm trước ảnh hưởng sức leo.

Thách thức thể lực và ý chí người leo núi

Hăm hở leo những bước đầu tiên từ điểm xuất phát (Mỏ Chì, Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái) với 100% năng lượng và niềm tin, nhưng chỉ sau vài con dốc gắt, sức đuối dần, Hà cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, cổ nóng cháy, nhịp tim trên chiếc đồng hồ thông minh báo đến 160. Chiếc ba lô trên vai như nặng hơn gấp 10 lần, ghì cả cơ thể xuống khiến bước chân mỗi lúc thêm chậm lại.

“Kinh nghiệm rút ra là, dù có đi theo nhóm chia nhau mang đồ, bạn cũng nên thuê porter (người gùi đồ thuê) mang giúp hành lý và dẫn đường. Porter hầu hết là người Mông bản địa, thông thạo địa hình, có thể giúp bạn mang vác đồ nặng, đồng thời liên tục động viên, đứng lại chờ bạn lê từng bước, thậm chí dùng lực kéo/đỡ bạn vượt qua các con dốc tốn sức”, Hà chia sẻ.

Đường lên đỉnh Tà Chì Nhủ khá đa dạng địa hình từ suối nhỏ, rừng trúc đến đồi trọc …, đa số là rừng thấp và cây bụi, ít bóng râm nên rất tốn sức. Bạn nên bổ sung nước bằng cách uống ngụm nhỏ, ngậm trong miệng rồi nuốt từ từ khi cảm thấy khô miệng. Có thể uống kèm với nước/viên ngậm điện giải bù khoáng cho cơ thể. Để giữ sức bền, người leo núi nên bước nhỏ, đều, hít thở đều xuống bụng bằng mũi, tránh thở bằng miệng gây khô họng, háo nước.

Qua 1 km đầu tiên, thể trạng cơ thể sẽ quen dần với nhịp leo dốc. Sau từ 2-5 tiếng tuỳ tốc độ và thời tiết băng qua quãng đường liên tục là những con dốc chỉ có lên mà không xuống, dài khoảng 7 km, sẽ đến lán nghỉ (ở độ cao khoảng 2.400 m so với mực nước biển).

Quãng đường từ lán nghỉ lên tới đỉnh còn khoảng 3 km. Tuy nhiên, dù ngắn hơn từ chân núi đến lán, chặng cuối này mất sức hơn bởi càng lên cao không khí càng loãng. Nếu lên lán sớm, bạn có thể ăn nhẹ lấy sức rồi leo tiếp khoảng 3 km còn lại để tới đỉnh chạm mốc “Tà Chì Nhù 2.979m” luôn trong ngày. Trường hợp lên lán muộn, bạn nên ở lại lán nghỉ ngơi qua đêm, sáng hôm sau leo lên đỉnh sớm đón bình minh, ngắm biển mây bồng bềnh.

Từ đỉnh xuống lán, porter sẽ dẫn người leo núi đi qua khu vực có loài hoa Chi pâu tím dại hút mắt mọc dày đặc dọc các triền núi thoai thoải.

Lúc xuống núi sẽ không quá mất sức như khi lên. Thời gian từ lán nghỉ xuống chân núi 3-4 tiếng. Tuy nhiên, do lối mòn chủ yếu là đất đá nhỏ nên nếu gặp trời mưa, đường xuống sẽ trơn trượt. Khi đi xuống, nhiều người dễ bị đau bắp đùi, bó gối và mũi chân do trọng lượng cơ thể dồn xuống. Đừng quên cố định chặt dây giày ở cổ chân, dùng gậy đỡ lực, bước xoay ngang bàn để hạn chế ngón chân thúc vào mũi giày gây đau đớn.

Sau khi leo núi từ 1-3 ngày, nhiều người bị đau nhức mỏi khắp người, nhất là ở vùng bắp chân, đầu gối và bắp đùi. Để hạn chế và nhanh phục hồi, bạn có thể thực hiện một số động tác kéo giãn cơ nhằm giảm cảm giác căng tức.

Thời điểm thích hợp để leo Tà Chì Nhù

Theo người dân địa phương, thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục Tà Chì Nhù là cuối tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Khí hậu thời gian này khô ráo, ít mưa. Trời lạnh cũng dễ có mây vào lúc bình minh. Nếu như tháng 10 hàng năm hoa Chi pâu nở rộ thì tới tháng 3, hoa đỗ quyên đỏ rực ở hướng leo Nậm Nghiệp.

Những người không nên leo núi

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người có vấn đề về hô hấp hoặc tim mạch, huyết áp, có bệnh lý về xương khớp, hệ thần kinh như thoái hóa khớp, đau lưng thần kinh tọa... không nên leo núi. Người cao tuổi, có bệnh nền, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Theo Đời sống
back to top