Kinh ngạc loài chim mới nở đã biết bay, kiếm mồi tuyệt đỉnh
Thiên Trang (TH)
Trong số những loài chim quý hiếm của thế giới, Maleo nổi bật không chỉ bởi vẻ đẹp độc đáo mà còn bởi tập tính sinh sản và khả năng biết bay ngay từ khi mới nở.
Maleo (Macrocephalon maleo) là một trong những loài chim đặc hữu của đảo Sulawesi, Indonesia, và đang nằm trong danh sách bảo tồn của nhiều tổ chức quốc tế do nguy cơ tuyệt chủng cao. (Ảnh: BioLib.cz)
Chim Maleo có kích thước trung bình với chiều dài cơ thể từ 55 đến 60 cm. Chúng có bộ lông đen trên lưng, phần bụng dưới màu sáng và đôi mắt đen tròn. Đặc biệt, trên đỉnh đầu chúng có một khối u giống như chiếc mũ sắt màu đen, tạo nên vẻ đẹp độc đáo và dễ nhận diện. Chân của Maleo khỏe mạnh với bốn móng vuốt dài, giúp chúng dễ dàng đào đất để làm tổ.(Ảnh: Flickr)
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của loài chim này là tập tính sinh sản đặc biệt. Maleo không ấp trứng bằng thân nhiệt của mình mà sử dụng nhiệt độ từ môi trường tự nhiên. Chúng thường làm tổ ở những khu vực đất cát gần núi lửa hoặc bờ biển có nhiều ánh nắng mặt trời để tận dụng nhiệt độ đất khoảng 33 độ C cho quá trình ấp trứng.(Ảnh: Observation.org)
Cặp chim Maleo bố mẹ cùng nhau đào một hố sâu từ 1 đến 1,5 mét. Chim cái đẻ trứng vào hố này và sau đó lấp cát lại để trứng được ấp nở bằng nhiệt độ từ đất và mặt trời. Trứng của chim Maleo khá lớn, nặng khoảng 240 gram và to gấp 5 lần trứng của các loài gà thường.(Ảnh: New Scientist)
Điều đặc biệt khiến loài Maleo trở nên kỳ diệu là chim non khi mới nở đã có khả năng biết bay. Sau khoảng 60 đến 85 ngày, trứng nở và chim non tự mình đào lên từ lòng đất. Ngay lập tức, chúng có thể chạy, bay và tự tìm thức ăn, tự bảo vệ mình khỏi các loài săn mồi như thằn lằn, trăn, lợn và mèo rừng. Chim Maleo non sống hoàn toàn độc lập từ khi mới nở, điều này khác biệt hoàn toàn so với nhiều loài chim khác.(Ảnh: EDGE of Existence)
Maleo phân bố chủ yếu trên đảo Sulawesi và một số đảo nhỏ lân cận ở Indonesia. Chúng sống trong các khu rừng nhiệt đới, rừng thứ sinh và khu vực ven biển. Các khu vực có cát nóng hoặc gần các nguồn nhiệt tự nhiên là nơi lý tưởng để chúng làm tổ và sinh sản.(Ảnh: BioDiversity4All)
Mặc dù có những tập tính đặc biệt và khả năng thích nghi cao, Maleo vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao do mất môi trường sống, săn bắt trái phép và sự xâm lấn của con người. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng và nạn phá rừng đã làm giảm diện tích sống của loài này, trong khi trứng Maleo bị săn lùng vì giá trị dinh dưỡng và kinh tế.(Ảnh: Oiseaux.net)
Nhiều tổ chức quốc tế và địa phương đang nỗ lực bảo tồn Maleo qua các chương trình bảo vệ môi trường sống và tăng cường ý thức cộng đồng. Các khu bảo tồn và vườn quốc gia đã được thiết lập để bảo vệ loài này. Năm 2009, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Mỹ đã mua 36 hecta đất ở Indonesia để bảo tồn loài Maleo.(Ảnh: NatureRules1 Wiki)
Mời quý độc giả xem thêm video: Chung thủy quá mức, loài chim đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.