Kinh doanh thua lỗ và dính lùm xùm, Tập đoàn Lộc Trời đổi Tổng Giám đốc

Việc thay đổi nhân sự thượng tầng của Lộc Trời diễn ra trong bối cảnh công ty dính lùm xùm về nợ tiền lúa vụ Đông Xuân của nông dân và nghi vấn bán gạo giá thấp bất thường vào thị trường Indonesia.

Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa thông qua việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Duy Thuận từ ngày 15/7. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, cho biết, thời gian tới, ông trực tiếp chỉ đạo, điều hành tất cả hoạt động của công ty cho đến khi có quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Ông Thòn bày tỏ, Lộc Trời vẫn trong giai đoạn khó khăn, mong nhận được sự hỗ trợ của các bên, đặc biệt là ngân hàng, nhằm giúp công ty có đủ tiềm lực tài chính, ổn định lại sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

"Sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả, chúng tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tất cả quý vị đúng theo quy định của pháp luật hiện hành", ông Thòn cam kết.

Được biết, ông Nguyễn Duy Thuận sinh năm 1970 tại Hà Nội, có trình độ Thạc sĩ Quản trị chiến lược. Ông tham gia Lộc Trời từ tháng 6/2019, giữ vị trí Giám đốc Tài chính, Giám đốc Nhân sự và được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc ngày 2/4/2020. Hiện, ông Thuận không nắm giữ cổ phần tại LTG.

Việc thay đổi nhân sự thượng tầng của Lộc Trời diễn ra trong bối cảnh công ty dính nhiều lùm xùm thời gian qua như nợ tiền lúa vụ Đông Xuân của nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long và nghi vấn bán gạo giá thấp bất thường vào thị trường Indonesia...

Tình hình kinh doanh của Lộc Trời ngày càng đi xuống. Năm 2023, mặc dù doanh thu cao nhất từ trước đến nay với 16.088 tỷ đồng, lãi ròng vỏn vẹn 16,8 tỷ đồng, lao dốc 96% so với mức 412 tỷ đồng năm 2022, do quý I và III lỗ nặng.

Trong quý I/2024, Lộc Trời lỗ gần 97 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng cao. Thời điểm cuối quý I/2024, Lộc Trời đang có khoản vay nợ ngắn hạn lên tới 6.246 tỷ đồng, chiếm gần 70% nợ phải trả.

Trong khi đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi cuối tháng 6 vừa qua của Lộc Trời đã thông qua mục tiêu lãi sau thuế 2024 là 50 tỷ đồng và không đưa ra chỉ tiêu về doanh thu.

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận khi đó cho biết, năm 2024, doanh thu Lộc Trời dự kiến 20.000 đến 24.000 tỷ đồng. Từ giờ đến cuối năm, công ty đã ký các hợp đồng xuất khẩu tương đương 400 triệu USD.

Lãnh đạo Lộc Trời cũng phân trần hoạt động của công ty dựa rất nhiều vào vốn. Khi gặp sự cố về dòng tiền, công ty không đủ tiền mua lúa nên xoay dòng tiền bằng cách khác. Thêm nữa, lợi nhuận của Lộc Trời còn ảnh hưởng của yếu tố trích lập dự phòng, nếu có đủ tiền thì khoản trích lập quay lại thành lợi nhuận.

Tại đại hội này, HĐQT Lộc Trời cũng bổ sung 3 tờ trình huy động vốn mới để cổ đông lựa chọn một phương án gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ 1.000 tỷ đồng, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ 3.500 tỷ đồng và vay chuyển đổi cổ phần 3.500 tỷ đồng.

Lộc Trời cần 8.000 - 9.000 tỷ đồng để có thể đạt được doanh thu dự kiến, có vốn dài hạn, kinh doanh sẽ ổn định hơn, lãi suất giảm và hiệu quả tăng. Tuy nhiên, sau quá trình hội ý, HĐQT thống nhất không biểu quyết thông qua 3 tờ trình trên. HĐQT Lộc Trời sẽ tối ưu phương án và trình lại trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.

Theo VietnamDaily
back to top