Cả tỉnh sạch rác thải
Hai năm nay, nhiều làng quê ở Nam Định trở nên sạch sẽ, không còn tình trạng tồn đọng rác thải. Các làng quê, theo định kỳ sẽ có xe thu gom rác đi 2 – 3 lần/tuần. Và hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định đều sử dụng lò đốt rác do kỹ sư Trần Văn Kiều sáng chế. Các lò đốt này hoạt động suốt đêm ngày nên lượng rác được tiêu hủy hầu hết, đảm bảo môi trường được sạch sẽ.
Người dân huyện Xuân Trường cho biết, cách đây vài năm khi các địa phương chưa áp dụng mô hình lò đốt rác thì rác thải tràn ngập khắp nơi. Tại các thị trấn, lượng rác nhiều không kém gì so với thành phố lớn. Còn các vùng quê thì rác được đổ ra các khu đất trống ven đồng ruộng dẫn tới ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Công nghệ lò đốt rác của kỹ sư Trần Văn Kiều theo nguyên lý tự sinh nhiệt. |
Gặp kỹ sư Trần Văn Kiều tại nhà riêng ở xóm 6 xã Xuân Tiến khi anh đang mày mò thiết kế một lò đốt khác. Anh Kiều chia sẻ, công nghệ thì luôn luôn phải cải tiến để không bị lạc hậu. Bởi hàng hóa mỗi ngày một thay đổi, mới lạ thì rác cũng ngày càng đa dạng. Cho nên, việc nghiên cứu công nghệ xử lý rác cũng phải theo kịp thì mới đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Kiều trở về quê hương Xuân Trường lập nghiệp. Vào năm 2009, khi thành lập một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng là lúc anh phải chứng kiến nạn ô nhiễm từ các nguồn rác thải sinh hoạt tại địa phương.
Lò đốt công nghệ mới đã giải quyết lượng rác lớn mỗi ngày tại tỉnh Nam Định. |
Lò đốt sinh nhiệt
Từ một kỹ sư chế tạo máy, anh đã bắt tay nghiên cứu, chế tạo thiết bị để xử lý các loại rác. Qua thời gian dài miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ của các nước trên thế giới, năm 2012, anh Trần Văn Kiều và cộng sự đã chế tạo thành công sản phẩm máy nghiền rác thải. Chiếc máy này có thể nghiền, cắt được nhiều loại rác với những chất liệu như gỗ, thủy tinh, nhựa, hộp kim loại, săm lốp cao su, vải... vừa có thể tái tạo vừa giảm đáng kể diện tích chôn lấp rác.
Không dừng lại ở đó, sau thành công ban đầu, anh Kiều tiếp tục nghiên cứu. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng cũng chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng. Theo anh Kiều, lò được đốt hoàn toàn bằng không khí tự nhiên, không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn năng lượng nào.
“Bạn tưởng tượng, trong một làng nghề cơ khí nổi tiếng như xã Xuân Tiến, khi bạn có ý tưởng được cho là điên rồ hoang tưởng thì sẽ lập tức bị điều tiếng hoặc bị xa lánh. Nhưng tôi cho rằng, rác thải đang là nguy cơ, mình biết mà không làm thì cảm thấy áy náy. Sau đó mình huy động anh em, mỗi người một việc để nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ”, kỹ sư Trần Văn Kiều.
Với những ưu điểm về công nghệ; chi phí đầu tư không lớn, khu xử lý không cần rộng, 1 lò có thể xử lý rác cho một cộng đồng khoảng 10.000 người. Sau khi ra đời, lò đốt rác sinh hoạt được hầu hết các xã nông thôn mới giai đoạn đầu của tỉnh Nam Định lựa chọn sử dụng. Trong đó có 26/35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu - một trong những huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Không chỉ có ở Nam Định, nhiều xã, thị trấn của các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Giang cũng đã sử dụng thiết bị này.
Lò đốt của anh Kiều được Bộ KH&CN cấp bằng sáng chế. |
Giảm thiểu khí thải độc hại
Xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu từng là 1 trong những địa bàn nóng về rác thải gây ô nhiễm môi trường. Trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, thì xã Hải Sơn không thể vượt qua tiêu chí môi trường bởi là vùng phát triển nghề mộc. Mỗi ngày, lượng rác thải từ các làng nghề mỹ nghệ tương đối lớn. Khi chưa có khu xử lý rác thải tập trung, xã Hải Sơn bị liệt vào “danh sách đen” về ô nhiễm.
Từ khi áp dụng “lò đốt không khí” của anh Kiều, chỉ trong một thời gian ngắn cả xã đã không còn rác tồn đọng. Xã Hải Sơn sau đó lập đội thu gom, mỗi ngày một lượt đi gom rác thải từ các thôn xóm và làng nghề đem đến lò xử lý.
Nhiều tỉnh thành hiện đang áp dụng mô hình đốt rác của anh Kiều. |
Với những nỗ lực trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, kỹ sư Trần Văn Kiều đã được Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Trung ương Ðoàn trao tặng nhiều giải thưởng về đổi mới - sáng tạo - môi trường.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho hay: Công nghệ lò đốt sinh nhiệt bằng không khí của kỹ sư Trần Văn Kiều khắc phục được những vấn đề tồn tại của lò đốt rác cũ trước đây và giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường.
“Tôi cũng được chứng kiến quá trình nghiên cứu lò đốt rác của kỹ sư Kiều. Khi công nghệ hoàn thành, xã Xuân Tiến cũng là nơi đầu tiên sử dụng mô hình này. Với đặc thù là xã làng nghề, tuy vấn đề nước thải vẫn còn nan giải nhưng rác thải đã xử lý xong bằng công nghệ lò đốt sinh nhiệt”, ông Mai Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Xuân Tiến.