Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM phát biểu tại Lễ phát động.
Mục tiêu chính của chương trình là: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thông tin đến các đối tượng, nhất là vai trò của các nhà sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra đặc biệt cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề; Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, người tiêu dùng và phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Để đạt được các mục tiêu trên, đòi hỏi các cơ quan kiểm tra liên ngành phải tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lưu thông mua bán, sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế; Hành vi buôn bán vận chuyển thực phẩm nhập lậu trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp tại các trường học, công ty; Chủ động lấy mẫu tầm soát nguy cơ, truy xuất xử lý các trường hợp vi phạm.
Công tác kiểm tra lấy mẫu và test nhanh thực phẩm của Đội quản lý ATTP số 10 tại chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM).
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức Lễ phát động, triển khai chương trình truyền thông, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường xã quản lý chặt chẽ thức ăn đường phố; Xây dựng và nhân rộng phường điểm về ATTP; Xoá các chợ cóc, chợ tạm, vỉa hè, giảm thủ tục hành chính, bớt tiền kiểm, tăng hậu kiểm…
“Tháng hành động ngoài kêu gọi nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn lựa rau, thịt an toàn, còn là hoạt động mở đầu cho chiến dịch tăng cường công tác đảm bảo ATTP cho cả năm 2018, nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” – Bà Lan chia sẻ thêm tại buổi lễ.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 kéo dài từ ngày 15/4 – 15/5/2018.
Ánh Dương