Ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết, nhà trường đã gửi công văn ra Văn phòng Chính phủ và Bộ GD&ĐT đề nghị được phép cấp bằng bác sĩ thú y.
Lý do là vì, theo Thông tư 19 của Bộ GD&ĐT về Ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH năm 2011, ngành Thú y tại các trường không được cấp bằng bác sĩ Thú y như trước đó. Điều này kéo theo nhiều vấn đề khó khăn trong công tác quản lý và hội nhập quốc tế của ngành.
Cụ thể, trong các văn bản và luật Thú y đều có những quy định quyền hạn và trách nhiệm của bác sĩ Thú y nhưng trên thực tế lại không còn ai được đào tạo với danh xưng này.
Ngoài ra, trong các công việc hợp tác quốc tế, rất nhiều những yêu cầu trong đó vai trò người bác sĩ Thú y là cần thiết, do đó rất nhiều cơ hội cũng như trách nhiệm của bác sĩ Thú y đối với xã hội chưa được thực thi.
Theo ông Lý, các sinh viên tốt nghiệp ra trường chịu nhiều thiệt thòi về cơ hội nghề nghiệp nếu không được cấp văn bằng với danh xưng tương ứng.
Do vậy, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT xem xét bổ sung ngành thú y vào danh mục các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH và cho phép cấp bằng bác sĩ thú y để phù hợp cho điều kiện hiện tại.
Theo Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học sau khi sửa đổi, bổ sung, hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm 4 loại: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và hệ thống có văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học.
Hệ thống văn bằng đó bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư.