Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào tháng 4-2022 cho biết, 2.000 lao động cho kết quả gần 56% nói thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống; khoảng 1/4 số người được hỏi phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; khoảng 20% từng rút bảo hiểm xã hội một lần sau đó tiếp tục tham gia lại…
Do đó, TS Phạm Thị Thu Lan - phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - mong muốn 8 hiệp hội rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu cho người lao động, vì gần 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Công đoàn Việt Nam ủng hộ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022; tăng lương sẽ thu hút lao động làm việc.
Nêu lại nguyên nhân vì sao các hiệp hội phản đối tăng lương từ 1-7-2022, TS Đỗ Quỳnh Chi - Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động - giải thích các hiệp hội không phản đối tăng lương mà chỉ đề xuất lùi thời gian tăng sang 1-1-2023.
Lý do được đưa ra là trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh bùng phát khiến sức khoẻ của doanh nghiệp không còn như trước.
Nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương vào đầu năm 2021, 2022.
Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022. Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.