Kiến nghị các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

(khoahocdoisong.vn) - Nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị nhiều giải pháp bổ sung Nghị quyết 02.

Theo báo cáo kết quả cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2014 - 2020, đến hết năm 2019, hơn 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành; cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ). Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh cho thấy cần sự đổi mới từ dưới lên và phải chú trọng vai trò của chính quyền địa phương. Sự năng động và động lực cải cách từ địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh một số mô hình mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: trung tâm hành chính công tập trung và sự chuyên nghiệp của thủ tục hành chính; cà phê doanh nhân và mô hình đối thoại chính quyền – doanh nghiệp hiệu quả…

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới có một số thách thức như các vấn đề và lĩnh vực cải cách khó khăn, phức tạp hơn, dư địa để cải cách ngay hạn hẹp. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu đơn vị tiên phong “giữ lửa”, thúc đẩy cải cách, thiếu nguồn lực và hỗ trợ cần thiết từ các nhà tài trợ, thiếu các nghiên cứu có chất lượng bổ trợ cho các đề xuất giải pháp cải cách.

Tuy nhiên, từ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 – 2020, chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học giúp việc đề xuất các chính sách, giải pháp có hiệu quả hơn, định hướng của Chính phủ về việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định rõ.

Từ đây, CIEM kiến nghị bổ sung 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần giải quyết các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Thứ hai là chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ ba là thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững: đầu tư kinh doanh bền vững; chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Theo KH&ĐS
back to top