Từ thành thị, miền núi và nông thôn đều kiểm tra
PGS.TS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, trong năm 2021, trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo và tiểu học sẽ được kiểm tra lịch sử tiêm chủng khi nhập học. Dự kiến, chương trình sẽ triển khai thí điểm ở 5 - 6 tỉnh, thành, gồm 2 - 3 tỉnh ở miền Bắc, một tỉnh ở miền Nam, một tỉnh ở miền Trung và một tỉnh ở Tây Nguyên. Chương trình sẽ thực hiện ở cả khu vực miền núi, đồng bằng, thành thị và nông thôn.
Tiêm chủng cho học sinh. |
TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, trẻ được kiểm tra gồm 2 nhóm: bắt đầu đi mẫu giáo (khoảng 2 - 3 tuổi) và bắt đầu học tiểu học 6 tuổi. Theo đó, các hoạt động triển khai sẽ được tiến hành từ trước vài tháng, để khi trẻ bắt đầu nhập học sẽ thực hiện. Các hồ sơ giấy tờ liên quan đến tiêm chủng, các mũi tiêm của trẻ... cần được phụ huynh cung cấp cho nhà trường khi trẻ nhập học. Trên cơ sở này sẽ được đối chiếu với lịch tiêm chủng quốc gia xem trẻ còn thiếu những mũi tiêm nào để thực hiện tiêm bù liều bị thiếu.
Theo TS Đặng Thị Thanh Huyền, việc triển khai kế hoạch này là cách tiếp cận mới “Phải tiêm chủng cả đời và suốt cuộc đời” như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề cập. Giống như dịch Covid-19, định nghĩa văcxin không còn là để tiêm chủng cho trẻ mà để tiêm cả cộng đồng, thuộc mọi lứa tuổi. Cách tốt nhất để phòng chống dịch là giảm số người không có miễn dịch trước khi dịch xảy ra, nhằm giảm thiểu tác động của dịch, tăng hiệu quả của văcxin, phòng chống bệnh dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Cũng theo TS Đặng Thị Thanh Huyền, có 8 loại văcxin cơ bản hiện đang được tiêm ở trẻ nhưng trước hết sẽ kiểm tra các mũi tiêm sởi, rubella và bại liệt. Đây là những bệnh có khả năng lây lan cao, chỉ cần có 1 số lượng người cảm nhiễm nhất định là đã có thể gây ra dịch và tốc độ lây lan dịch vô cùng nhanh, khó kiểm soát.
Lãnh đạo Bộ y tế Kiểm tra công tác tiêm chủng cho trẻ. |
Không phải là quy định bắt buộc nhưng cần phải có
Trả lời phóng viên KH&ĐS về việc nếu trẻ không có hồ sơ tiêm chủng có được nhập học không? TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, việc đi học là quyền của trẻ nên đây không phải là điều kiện bắt buộc quyết định. Tuy nhiên, việc kiểm tra lịch sử tiêm chủng là một trong những cách tạo ra môi trường an toàn cho tất cả các em. Bởi khi ở trường học, lớp học nếu cả nhóm trẻ được miễn dịch thì nguy cơ gây ra dịch bệnh rất ít. Vì vậy, đây là yêu cầu cần thiết cha mẹ nên thực hiện để bảo vệ con em mình.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, văcxin có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, văcxin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả. Tuy nhiên, hằng năm vẫn còn hàng chục ngàn trẻ chưa được tiêm chủng, khiến các trẻ nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sởi, ho gà và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
Tiêm chủng là cách bảo vệ trẻ trước dịch bệnh. |
TS Đặng Thị Thanh Huyền phân tích, việc tiêm văcxin là tạo miễn dịch trong cộng đồng đến tỷ lệ cao nhất định để ngăn ngừa được dịch bệnh. Giống như hiện tại dịch Covid-19 chưa có miễn dịch trong cộng đồng khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, hoặc dịch Bạch hầu mới xảy ra ở Tây Nguyên là do miễn dịch trong cộng đồng thấp. Bởi trẻ được tiêm đủ 4 mũi trước 18 tháng tuổi, sau 3 – 4 năm tính miễn dịch đã bị suy giảm đôi khi không còn tác dụng bảo vệ nữa. Trong khi đó, vi khuẩn bạch hầu có cả ở trong cơ thể người lành và khi người không còn miễn dịch hoặc miễn dịch giảm nó sẽ hoạt động và gây ra độc tố.
“Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây”, PGS Dương Thị Hồng lo ngại.
Vì vậy, theo TS Đặng Thị Thanh Huyền, những trường hợp mất sổ hoặc không nhớ đã tiêm đủ chưa thì có thể quay lại nơi tiêm chủng trước đây để xin xác nhận lại và nếu thiếu thì tiêm bổ sung. Việc tiêm văcxin sởi hay bại liệt không chỉ là thực hiện theo đủ mũi, theo lịch tiêm chủng quốc gia, mà có rất nhiều chiến dịch tiêm bổ sung nên việc tiêm thêm một mũi là an toàn, là cơ sở để tạo thêm hàng rào miễn dịch bảo vệ trẻ và cộng đồng.