<div> <p>Kiểm toán Nhà nước mới đây hoàn thành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của <span>Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam</span> (LĐLĐVN).</p> <p><b>Nghịch lý giữa cơ sở và cấp trên</b></p> <p>Kết quả kiểm toán cho thấy tổng thu tài chính công đoàn (TCCĐ) là trên 20.000 tỉ đồng, trong đó thu từ khối đơn vị sản xuất, kinh doanh chiếm 69%. Dù vậy, số chưa thu được qua các năm còn lớn, chiếm 22% tổng thu kinh phí và đoàn phí.</p> <p>Điều này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn TCCĐ để phục vụ các hoạt động phong trào, chăm lo cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến tính hiệu lực của Điều 26 Luật Công đoàn.</p> <p><img alt="Kiểm toán nhà nước: Nhiều bất cập trong tài chính công đoàn - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/11/82/image-plo-vn_tai-chinh-cong-doan_gqwd.jpg" /><br /> <em class="image_caption">Kiểm toán nhà nước chỉ ra <span>nhiều bất cập</span> trong <span>tài chính công đoàn</span>. Ảnh minh họa: BÁO KON TUM</em></p> <p>Đặc biệt, tỷ lệ thu khác/tổng chi tại công đoàn cơ sở là 11,1%, công đoàn cấp trên cơ sở là 15,1%, LĐLĐ tỉnh/TP, công đoàn ngành là 37,4%, và Tổng LĐLĐVN là 220,8%. Các con số cho thấy chỉ tính riêng thu khác tại Tổng LĐLĐVN đã đáp ứng 2,2 lần tổng chi trong năm. Mức độ tích lũy như vậy là quá lớn.</p> <p>Tình trạng này dẫn tới bất cập trong khi cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi TCCĐ tích lũy, nên hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động, thậm chí một số công đoàn cơ sở mất cân đối thu - chi.</p> <p>Ngược lại, các công đoàn cấp trên cơ sở, LĐLĐ, Tổng LĐLĐVN lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn nhằm tăng thu khác, đầu tư, cho vay.</p> <p>Cũng theo kết quả kiểm toán, số dư tích lũy TCCĐ đến ngày 31-12-2019 là gần 29.000 tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp LĐLĐ tỉnh/TP và tương đương (chiếm 36% của toàn ngành).</p> <p>Việc sử dụng quỹ tích lũy chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả. Các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán.</p> <p>Đặc biệt, hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh - liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn còn chưa có cơ chế cho vay rõ ràng, minh bạch; chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc, trách nhiệm trả nợ… khiến nhiều đơn vị đầu tư khó có khả năng thu hồi vốn.</p> <p><b>Thanh tra khoản tiền 11,3 tỉ đồng không phiếu thu</b></p> <p>Đáng chú ý, báo cáo kiểm toán cho thấy tài khoản thu TCCĐ tại cấp tổng dự toán Tổng LĐLĐVN có phát sinh khoản thu 11,3 tỉ đồng, tiếp nhận của các cá nhân hỗ trợ.</p> <p>Theo hồ sơ của Tổng LĐLĐVN cung cấp, đây là khoản vận động xã hội hóa theo Chương trình Tết sum vầy năm 2019, theo Công văn số 49/TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.</p> <p>Tuy nhiên, công văn này không ghi rõ số tài khoản để nhận tiền ủng hộ và cũng không có quyết định thành lập Ban tiếp nhận ủng hộ.</p> <p>Toàn bộ việc tiếp nhận ủng hộ do Ban Tài chính thực hiện, không có phiếu thu mà chỉ có bảng kê danh sách đóng góp hỗ trợ bằng tiền mặt của năm đơn vị do Phó trưởng ban Tài chính lập.</p> <p>Số tiền thu được đã nộp vào tài khoản cấp Tổng dự toán của Tổng LĐLĐVN, sử dụng vào các mục chi quà tặng cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và chi khen thưởng cho cá nhân, tập thể có đóng góp cho Chương trình Tết sum vầy.</p> <p><span>Kiểm toán nhà nước</span> đề nghị Tổng LĐLĐVN thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của việc vận động xã hội hóa của khoản thu trên và việc sử dụng đúng mục đích, đối tượng.</p> <p>Cùng với đó, cơ quan kiểm toán cho rằng cần rút kinh nghiệm trong việc thu hút, ủng hộ, tài trợ xã hội hóa trong toàn hệ thống, nhất là tại Tổng LĐLĐVN; cần phải xây dựng quy trình, ban tiếp nhận và công khai minh bạch mục đích sử dụng; thực hiện thu theo quy định của Luật Kế toán; tránh tình trạng thu hút và không sử dụng mà đưa vào kết dư công đoàn như thời gian qua.</p> <div> <table cellpadding="0" cellspacing="5"> <tbody> <tr> <td style="background-color: rgb(238, 238, 238); text-align: justify;"> <p><b>Sử dụng xe công vượt định mức</b></p> <p>Theo số liệu báo cáo, trong toàn hệ thống Tổng LĐLĐVN đang quản lý và sử dụng 297 xe ô tô. Căn cứ vào tiêu chuẩn định mức sử dụng xe được quy định tại Nghị định 04/2012, xe ô tô của công đoàn các cấp còn dôi dư so với tiêu chuẩn định mức đến 31-12-2019 là 167 xe (trong đó có 69 xe đủ điều kiện thanh lý).</p> <p>Đặc biệt, một số LĐLĐ tỉnh, thành phố có số xe ô tô vượt nhiều. Theo báo cáo, nguyên nhân số xe ô tô vượt phần lớn do từ địa phương hỗ trợ chuyển sang và chủ yếu là xe đã hết khấu hao sử dụng đủ điều kiện thanh lý, một số đơn vị quản lý sử dụng ô tô chưa đúng quy định.</p> </td> </tr> </tbody> </table> </div> </div> <p> </p>