Kiểm soát thừa cân béo phì lứa tuổi học đường

(khoahocdoisong.vn) - Sự gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì (TCBP) ở trẻ em nói chung và tuổi học đường nói riêng đang là một trong những mối quan tâm ở các quốc gia.

Không ít người vẫn giữ quan niệm là trẻ con thì phải trắng và béo mới là tốt. Họ không biết rằng trẻ em TCBP là một mối đáng lo ngại cho sức khoẻ Có nghiên cứu cho rằng, trẻ TCBP thiếu vitamin D thiếu sắt thiếu kẽm cao gấp 2 lần trẻ bình thường, trẻ TCBP có chỉ số trí tuệ kém hơn trẻ em phát triển bình thường.

Những đứa trẻ TCBP có thể chưa mắc ngay những căn bệnh do chứng béo phì gây ra như đái tháo đường rối loạn lipid máu, tăng huyết áp máu nhiễm mỡ... nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành.

Trẻ thừa cân, béo phì cần có một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, đa dạng. Không nên hạn chế calorie trong chế độ ăn kiêng của trẻ béo phì bởi trẻ đang trong trong giai đoạn phát triển nên cần bổ sung đầy đủ năng lượng. Cha mẹ nên hạn chế các món chiên, xào, rán..., nên hạn chế cho trẻ ăn vặt.

Ngoài việc các gia đình tự điều chỉnh chế độ ăn thì cũng cần cải tiến chế độ dinh dưỡng tại các trường học. Việc xây dựng thực đơn trường học phù hợp sẽ góp phần điều chỉnh tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo hướng cân đối hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng thực đơn này rất công phu, tốn kém, cần có sự trợ giúp của các chuyên gia dinh dưỡng nên hiện chỉ có các nhóm lớp ở trường mầm non mới thực hiện được. Còn nhóm trẻ từ tiểu học trở lên, chế độ dinh dưỡng hầu hết vẫn phụ thuộc vào số tiền mà các bậc phụ huynh đóng góp. Việc ăn uống của con trẻ trên lớp thường được giao cho một bộ phận phụ trách nên các cháu TCBP sẽ ăn như trẻ có cân nặng bình thường.

Bên cạnh đó, khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn, lối sống lười vận động là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em. Hầu hết trẻ em ngày nay đều yêu thích xem tivi và chơi các trò chơi điện tử hơn là những hoạt động ngoài trời. Vì vậy, chúng thường chỉ thích ngồi lỳ trong nhà. Để hạn chế nguy cơ trẻ bị béo phì, cha mẹ cần vạch ra một kế hoạch tập luyện thể dục thường xuyên cho trẻ.

Để trẻ luôn khoẻ mạnh phát triển một cách toàn diện về đức, trí, thể, mĩ, tình cảm quan hệ xã hội thì việc chăm sóc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ theo khoa học là hêt sức quan trọng và cần thiết.

Theo Đời sống
back to top