Kiểm soát đồ ngọt

(khoahocdoisong.vn) - Trẻ em thường thích đồ ngọt nhưng ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ béo phì, dư thừa lượng đường trong cơ thể, có nguy cơ mắc các bệnh như huyết áp cao, béo phì, tiểu đường sau này.

Trẻ em ở lứa tuổi học đường thích đồ ăn vặt như bánh kẹo, snack, nước ngọt, đồ hộp...đây là những thực phẩm nhiều muối, đường, khi ăn vào, vừa không có lợi cho sức khỏe, vừa khiến trẻ ngang dạ, không thích ăn các thực phẩm khác, gây mất cân bằng dinh dưỡng.

Bánh và kẹo là món ăn vặt thường ngày của trẻ. Nhiều gia đình chiều con, khi con đi học về thường để sẵn đồ ăn vặt này ở nhà khiến trẻ quen dần với vị ngọt. Có gia đình còn mua các loại hoa quả sấy khô để trẻ nhâm nhi, nghĩ rằng hoa quả sấy thì không có hại nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng, hoa quả sấy vẫn cung cấp năng lượng và chất bột đường. Nếu năng lượng nhiều sẽ không tốt với những trẻ thừa cân, béo phì. Trái cây sấy có khối lượng nhẹ trong khi năng lượng vẫn nhiều khiến người ăn khó kiểm soát lượng nạp vào dạ dày.  

Có rất nhiều tác hại từ việc thường xuyên ăn hoa quả sấy khô. Khi sấy khô, các loại vitamin như vitamin C, vitamin B1, B2 có trong trái cây gần như không còn. Do được chế biến bằng cách loại bỏ nước, vì thế hàm lượng calo cao hơn các loại trái cây tươi. Lượng trái cây tuy nhỏ nhưng vẫn làm cơ thể thừa calo và dẫn đến nguy cơ tăng cân cao. Nếu tiêu thụ thêm 250 calo mỗi ngày từ trái cây sấy khô thì trọng lượng có thể tăng 1kg mỗi tháng.

Để kiểm soát lượng đường, cha mẹ nên tập cắt giảm đồ ăn vặt mỗi ngày cho trẻ. Trong các bữa chính nên triển khai đủ lượng, đủ chất, đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Khi trẻ đã đầy đủ dinh dưỡng, trẻ không đói, không thèm đồ ăn vặt. Nếu muốn cho trẻ ăn vặt, mẹ có thể vào bếp làm một số món với lượng đường hợp lý. Ví dụ sữa chua trái cây là đồ ăn vặt rất tốt cho hệ tiêu hóa, cung cấp đầy đủ vitamin cho cơ thể. Trẻ thích ăn vặt có thể nấu chè đậu hoặc chè sen ít đường vừa ngon, thanh mát lại kiểm soát được lượng đường vào cơ thể. Hằng ngày nên ép nước trái cây cho trẻ vì chất xơ có trong trái cây không chỉ giúp trẻ cảm thấy no lâu hơn mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa. Đối với sữa, trẻ béo phì nên uống sữa tách béo, sữa ít hoặc không đường. Đồ ăn nhẹ, khuyến khích trẻ ăn khoai, bắp luộc vừa nhanh no, vừa cung cấp nhiều chất xơ.

Ngoài ra, các hoạt động thể dục thể thao rất hữu ích trong việc giúp trẻ tiêu hao năng lượng, quên cơn thèm đồ ngọt. Khi tinh thần vui vẻ, phấn chấn, vào bữa ăn chính trẻ tiếp thu năng lượng tốt hơn.

Theo Đời sống
back to top