Kiểm soát đau sau tổn thương tủy sống

40-75% bệnh nhân bị đau dai dẳng do tổn thương tủy sống gây nên. Kiểm soát đau là công tác giảm triệu chứng đau, khắc phục căn nguyên gây đau bằng các phương pháp dưới đây.

Đau dai dẳng là một trong những biến chứng thường gặp nhất và ảnh hưởng nặng nề nhất do tổn thương tủy sống (SCI) gây nên.

Các yếu tố tâm lý và tình trạng đau có mối quan hệ tương hỗ: đau gây suy kiệt, rối loạn giấc ngủ, thương tật tâm lý; và các yếu tố nặng nề tâm lý càng khiến bệnh nhân tập trung vào tình trạng đau của bản thân.

Tỷ lệ hiện mắc của đau mạn tính sau SCI là khoảng 40-75%, trong đó 25-60% số bệnh nhân báo đau trung bình đến nặng, thường đi kèm các bệnh đồng mắc về tâm lý-tâm thần đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt.

Vị trí đau phổ biến nhất là lưng (61%), hông và mông (61%), chi dưới (58%). Đau chi trên gặp ở 76% bệnh nhân sau tổn thương tủy cổ. Các loại đau bao gồm:

Đau thụ thể (thụ thể cơ xương/thụ thể tạng): là tình trạng đau do các thương tổn trực tiếp kích thích đầu mút dây thần kinh (thụ thể).

Đau thụ thể cơ xương điển hình xảy ra do gãy xương, loãng xương, co cứng cơ, hay đau vùng mổ xương sau phẫu thuật.

Đau thụ thể tạng biểu hiện như đau vùng bàng quang, đường ruột, biểu hiện đau âm ỉ hay chuột rút, có thể đi kèm nôn.

Đau thần kinh xuất hiện do kích ứng, chèn ép, tổn thương mô thần kinh (tủy sống, rễ thần kinh), biểu hiện tê bì, dị cảm lan theo đường dẫn truyền thần kinh.

Kiểm soát đau sau tổn thương tủy sống ảnh 1

Kiểm soát đau sau tổn thương tủy sống

Một số phương pháp và chiến lược kiểm soát cơn đau như:

Điều trị nội khoa giảm đau: Điều trị nội khoa (dùng thuốc) là phương pháp hàng đầu để kiểm soát đau cho hầu hết các bệnh lý. Tuy nhiên, khó khăn ở bệnh nhân tổn thương tủy là do tổn thương nằm ở mô thần kinh, chịu trách nhiệm dẫn truyền và chi phối, nên không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng điều trị nội.

Bên cạnh các thuốc giảm đau (pregabalin, opioids), bệnh nhân có thể được kê các thuốc hạn chế tác dụng phụ (ví dụ benzodiazepine đi kèm ketamine tránh gây ảo giác).

Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu: Mục tiêu vật lý trị liệu với bệnh nhân liệt tủy là nỗ lực duy trì, thậm chí tăng cơ lực, biên độ vận động, thăng bằng, phối hợp vận động. Hoạt động trị liệu tập trung tăng cường chức năng thông qua thực hiện các hoạt động sinh hoạt đơn giản và phức tạp.

Ngoài ra, có một số phương pháp phục hồi chức năng giúp tập luyện về mặt cảm giác, giúp giảm rối loạn cảm giác, giảm tình trạng đau toàn thể. Một số cơ sở còn nghiên cứu kiểm soát đau nhờ xoa bóp, châm cứu, với kết quả sẽ dần được cải thiện trong tương lai.

Tuy nhiên, các phương pháp trị liệu này mang tính bổ trợ, ít khi được sử dụng độc lập với các bệnh nhân đau nặng.

Tiếp cận tâm thần, tâm lý

Như đã biết, tình trạng đau và gánh nặng tâm lý thường đi đôi với nhau ở các bệnh nhân liệt tủy, do đó hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân là một trong các mũi nhọn quan trọng trong kiểm soát đau.

Mục tiêu chính của điều trị tâm thần-tâm lý nhìn chung liên quan đến cải thiện chất lượng cuộc sống và sớm tái hòa nhập xã hội, đòi hỏi ít nhiều tập luyện các kỹ năng thích nghi với đau và trị liệu nhận thức hành vi, cũng như thích nghi về kỹ năng xã hội, tình dục, giao tiếp.

Một số phương pháp can thiệp tâm thần, tâm lý bao gồm tư vấn tâm lý, liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, trị liệu hành vi và giao tiếp.

Điều trị xâm lấn

Chỉ định điều trị xâm lấn thường được đưa ra khi bệnh nhân đau quá nặng, không đáp ứng với các phương thức điều trị bảo tồn (nội khoa phục hồi chức năng, can thiệp tâm lý).

Can thiệp ngoại khoa bao gồm một số phương pháp như: cắt rễ thần kinh, cắt lọc tủy sống, các hình thức tiêm phong bế, kích thích não sâu và kích thích tủy sống.

Điều trị xâm lấn thường giúp giảm đau trong thời gian dài, có thể triệt tiêu căn nguyên đau trong một số trường hợp, tuy nhiên cũng đi kèm các biến chứng như mất máu, tổn thương mô lành, nhiễm khuẩn.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức)

Theo Đời sống
back to top