Kiểm soát bệnh tim mạch trong ngày Tết

(khoahocdoisong.vn) - Ngày Tết là thời điểm dễ xảy ra các biến chứng tim mạch ở những người có nguy cơ cao và đặc biệt là ở những người đã có bệnh tim mạch cho dù là tiềm ẩn hay đã có biểu hiện trên lâm sàng. Do vậy, những hiểu biết về ảnh hưởng của thời tiết, sinh hoạt trong ngày Tết đến bệnh lý tim mạch sẽ giúp chúng ta có thể chủ động phòng ngừa, làm giảm bệnh suất và tử suất của các bệnh lý tim mạch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện tại bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, nghiện thuốc lá, béo phì, lười vận động... thì các yếu tố khác như thời tiết, chế độ sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng làm khởi phát bệnh và gây ra các biến chứng bao gồm cả tử vong.

Ảnh hưởng của tâm lý và thể lực: Nguy cơ bệnh động mạch vành tăng cao vào các ngày đầu năm so với những ngày khác trong năm. Nguyên nhân có thể do chủ quan của bệnh nhân vào ngày nghỉ Tết nhưng trì hoãn không đi viện, hoặc do khách quan là có sự thay đổi trạng thái từ nghỉ ngơi kéo dài sang trạng thái hoạt động, làm tăng gánh nặng thể lực và tăng áp lực về tinh thần vào ngày đầu năm.

Trong ngày Tết có không ít người lại bận rộn nhiều hơn trong các công việc chuẩn bị Tết đón năm mới, cũng như đi thăm hỏi người thân... Các hoạt động thể lực thường xuyên có tác dụng bảo vệ bệnh động mạch vành, tác dụng này giảm dần và mất hẳn sau vài tuần. Ngược lại, những hoạt động thể lực đột ngột, không thường xuyên vào mùa đông do thời tiết xấu lại làm khởi phát bệnh.

Ảnh hưởng của thời tiết: Một yếu tố thay đổi theo mùa ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân là nhiệt độ. Người ta thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa nhiệt độ trung bình của tháng với tỷ lệ tử vong do bệnh  động mạch vành. Nhiệt độ thấp (thời tiết lạnh) làm tăng tiết các catecholamin dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp do vậy làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim. đồng thời các catecholamin cũng gây co thắt động mạch vành làm giảm cung cấp máu và oxy cho cơ tim. Nếu động mạch vành của bệnh nhân đã bị tổn thương có thể sẽ gây ra triệu chứng đau ngực hay gây nhồi máu cơ tim cấp. Huyết áp mùa đông tăng cao hơn huyết áp mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này làm tăng tới 21% các biến chứng tim mạch trong mùa đông.

Ảnh hưởng của rượu, bia: Nghiện rượu là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh cơ tim giãn thứ phát không do thiếu máu cục bộ cơ tim và chiếm tới 1/3 các bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn. Theo ước tính có tới 2/3  người trưởng thành có uống rượu và khoảng 10% có uống nhiều rượu. Vì vậy, bệnh cơ tim do rượu với những triệu chứng như loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sự co bóp cơ tim và cuối cùng là suy tim đang là vấn đề đáng quan tâm ở người trẻ.

Có sự liên quan giữa những biến chứng mạch máu não và uống rượu, nhất là trong vòng 24h sau khi uống rượu. Những rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát cũng có thể xảy ra sau khi uống nhiều rượu ở những người bình thường – đó là một hội chứng được gọi là hội chứng “tim ngày nghỉ.

Để làm giảm ảnh hưởng của thời tiết và các sinh hoạt trong các ngày nghỉ đến bệnh lý tim mạch, chúng ta nên có một chế độ sinh hoạt điều độ, đúng giờ, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột. Giữ ấm đặc biệt là những người từ nơi có khí hậu nóng đến nơi có khí hậu lạnh hơn, tránh bị gió lùa và nhiễm lạnh đột ngột. Các bệnh nhân tăng huyết áp được kê đơn uống vào buổi sáng thì nên được uống ngay sau khi ngủ dậy, trước khi làm vệ sinh thân thể và ăn sáng. Các bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay bị suy tim nên dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp Tết và nên tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi có triệu chứng bất thường để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Theo KH&ĐS
back to top