Kích thích vùng thủ tâm và đại trường giúp trị ăn không ngon miệng
Lương y Hoàng Duy Tân, Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông Y Đồng Nai cho biết, ngon miệng là khoái cảm, thèm muốn ăn uống. Ăn mất ngon xảy ra khi không còn thèm muốn này, mặc dù cơ thể vẫn có nhu cầu về năng lượng. Ăn mất ngon không phải là một bệnh mà là dấu hiệu, triệu chứng của một bệnh nào đó.
Khi ăn không ngon thì sự tiêu thụ thực phẩm giảm. Mà thực phẩm lại mang năng lượng cho mọi sinh hoạt của cơ thể, cung cấp vật liệu để tu bổ tế bào hư hao, tạo ra tế bào mới.
Không có đủ chất dinh dưỡng sẽ dẫn tới giảm cân, cơ thể mệt mỏi, bắp thịt teo, tâm thần buồn rầu, giảm khả năng miễn dịch, kém sức chịu đựng. Tử vong có thể xảy ra nếu mỗi năm liên tục sụt đi 10% sức nặng cơ thể.
Có 2 nguyên nhân làm cho ăn uống không ngon: Một là năng lực tiêu hóa hấp thụ của đường ruột và dạ dày tương đối yếu. Hai là tinh thần mệt mỏi do căng thẳng kéo dài gây ra.
Gần đây, có rất nhiều phụ nữ trẻ, trẻ em và thanh thiếu niên bị chứng này và tỷ lệ này có xu thế tăng dần. Đây là chứng ăn uống không ngon do thần kinh, còn gọi là “chứng ghét ăn”.
Điều trị: Ở giữa bàn tay có một vùng lòng bàn tay có quan hệ mật thiết với nhịp tim (Thủ tâm). Xoa bóp nhẹ vùng này có thể hết cảm giác dồn ép tim, thư thái tinh thần giúp tăng cảm giác ăn ngon hơn.
Nếu ăn không ngon do rối loạn tiêu hóa, dạ dày, đường ruột không tốt gây ra, phương pháp có hiệu quả nhất là kích thích vùng “Dạ dày, Tỳ, Đại tràng”, kích thích nhẹ cũng có thể làm tăng công năng tiêu hóa, thúc đẩy ăn uống.
Nhật Hà