Đột tử do không điều trị ổn định
Ngày 19/4, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã kích hoạt ECMO cứu sống bệnh nhân đột tử rất đặc biệt.
Khác với các trường hợp đột tử được cứu sống trước đây, người bệnh bị suy chức năng tim nền rất nặng, rối loạn nhịp thất xuất hiện thành từng cơn liên tục ngay cả sau khi can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể và làm giảm nhu cầu chuyển hoá năng lượng các mô bằng hạ thân nhiệt.
Đó là trường hợp của anh H.V. L, 59 tuổi, quê quán tại Bến Tre, mắc bệnh cơ tim giãn nở 4 năm nhưng chưa được điều trị ổn định, hiện đang làm bảo vệ một công ty tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết khuya ngày 24/03/2024, anh đột ngột khó thở rồi ngừng tim tại nhà trọ, được người nhà đưa ngay đến một bệnh viện đa khoa gần đó. Sau khi hồi sinh tim phổi và sốc điện chuyển nhịp liên tục trong 20 phút vì rối loạn nhịp thất, người bệnh phục hồi được tuần hoàn tự nhiên.
Tuy nhiên, do có bệnh lý tim mạch nền cơ tim giãn với suy chức năng co bóp cả hai tâm thất nặng kèm với tình trạng tụt huyết áp sâu phải sử dụng vận mạch liều cao, phù phổi cấp, tiên lượng nguy cơ tử vong gần như 90%. Sau khi hội chẩn liên viện, người bệnh được chuyển viện ngay trong đêm vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại đây, ekip ECMO của Đơn vị Hồi sức tim mạch đã kích hoạt sẵn sàng, người bệnh được can thiệp ECMO lai ghép động tĩnh mạch (V-AV ECMO) trong vòng 30 phút, hạ thân nhiệt trung tâm và hỗ trợ lọc máu liên tục.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC |
ThS.BS. Nguyễn Thanh Thảo – Trưởng nhóm ECMO cho biết: “Chúng tôi vừa phải sử dụng thuốc vận mạch đi kèm các thuốc tăng co bóp cơ tim và các thuốc chống rối loạn nhịp. Chức năng co bóp thất trái và cả thất phải suy giảm rất nặng (phân suất tống máu thất trái chỉ 15%) làm diễn tiến suy đa tạng sau ngừng tim kéo dài của bệnh nhân bắt đầu nặng nề hơn ngay cả khi được hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể”.
Theo ThS.BS. Trần Thị Ngọc Mỹ – Chuyên gia điều trị suy tim Đơn vị Hồi sức tim mạch: “Đối với bệnh cơ tim giãn nở, hiện nay tại các trung tâm tim mạch chuyên sâu, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp thất dựa trên kiểu hình lâm sàng, phối hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh học tim mạch và tầm soát đột biến gene nguy hiểm.
Người bệnh mắc bệnh cơ tim giãn nở với nguy cơ đột tử cao do rối loạn nhịp thất có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng điều trị nội khoa suy tim tối ưu, kèm cấy máy phá rung (ICD) khi có chỉ định”
Cơ tim giãn nở dễ suy tim, đột tử
Cơ tim giãn nở còn có tên gọi khác là cơ tim giãn, là bệnh lý gây ảnh hưởng đến tâm thất (ngăn dưới) và tâm nhĩ (ngăn trên) của tim. Thông thường, bệnh khởi phát ở tâm thất trái – buồng bơm máu chính của tim. Lúc này, tâm thất trái giãn (to) ra và yếu đi, khiến khả năng bơm máu của tim bị giảm.
Khi gặp tình trạng này, các buồng tim phản ứng lại bằng cách căng ra để chứa nhiều máu hơn, sao cho đủ bơm đi khắp cơ thể. Đồng thời, thận cũng phản ứng bằng cách tăng giữ lại nước (dịch) và muối natri trong cơ thể. Nếu chất dịch tích tụ ở gan, mắt cá chân, bàn chân, phổi hoặc các cơ quan khác, sẽ gây tình trạng gan to, phù chân, khó thở hay “suy tim sung huyết” chính là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng này.
Không chỉ ảnh hưởng đến thận, bệnh giãn cơ tim còn có thể dẫn đến hở van tim, loạn nhịp tim và cục máu đông trong tim.
Biểu hiện của cơ tim giãn nở - Ảnh minh họa |
Các nguyên nhân phổ biến của bệnh cơ tim giãn nở bao gồm:
-Di truyền: Khoảng 20% các trường hợp cơ tim giãn là do di truyền.
-Lạm dụng rượu: Uống rượu trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến bệnh cơ tim thứ phát, không do thiếu máu cục bộ. Cơ chế gây bệnh do rượu diễn ra như sau:
-Ức chế tổng hợp protein
-Ức chế quá trình phosphoryl hóa oxy hóa
-Làm tổn thương gốc tự do
- Tích tụ các este axit béo
- Phá vỡ cấu trúc màng tế bào của tế bào tim
- Gây co thắt mạch vành
- Bất thường thụ thể trong tế bào tim
- Ngoài bệnh cơ tim, việc uống rượu trong thời gian dài còn tăng nguy cơ rung nhĩ, loạn nhịp tim trên thất, ngoại tâm thu thất, tăng huyết áp và đột quỵ.
- Lạm dụng ma túy
- Rối loạn nhịp nhanh
- Một số loại thuốc độc tế bào hay thuốc hóa trị liệu ung thư như: cyclophosphamide, mitoxantrone, trastuzumab…
- Bệnh động mạch vành: Khi lòng của động mạch đưa máu và oxy đến cơ tim bị tắc nghẽn, lưu lượng máu đến cơ tim sẽ suy giảm. Theo thời gian, hoạt động của cơ tim bị ảnh hưởng, khiến các cơ tim không co bóp đúng cách. Tất cả máu từ tâm thất trái không thể đẩy ra ngoài và có xu hướng đọng lại bên trong, dẫn đến sự giãn nở của tâm thất trái.
- Phụ nữ đang mang thai (bệnh cơ tim chu sinh)
- Các bệnh truyền nhiễm như bệnh leptospirosis, bệnh Lyme, bệnh toxoplasma, sốt Q, bệnh Chagas, cytomegalovirus, adenovirus…
- Các bệnh mô liên kết như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp…
Có một số trường hợp không xác định được nguyên nhân, gọi là tình trạng cơ tim giãn vô căn. Khoảng 1/3 số bệnh nhân có tiền sử gia đình, gọi là bệnh cơ tim giãn có tính chất gia đình (di truyền).
Giai đoạn đầu của bệnh cơ tim giãn nở có thể không biểu hiện triệu chứng nào. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng tương tự như triệu chứng của bệnh suy tim, bao gồm: Khó thở, hụt hơi, đặc biệt là khi gắng sức; Sưng phù bàn chân, tăng cân và tăng vòng bụng; Cao huyết áp; Mạch nhanh, nhịp tim không đều; Tĩnh mạch cổ nổi; Thở khò khè; Chóng mặt và ngất xỉu; Hồi hộp, đánh trống ngực; Nhồi máu não do cục máu đông từ tim chạy lên não; Đau tức ngực; Mệt mỏi, không thể tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động như bình thường; Biểu hiện khi có thể mang bệnh; Mệt mỏi, tức ngực, khó thở là những biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân...
Bệnh cơ tim giãn nở nếu không được điều trị đúng cách có khả năng dẫn tới các biến chứng như:
Hở van tim: Khi tim to ra, các van có thể bị kéo căng, dẫn đến rò rỉ. Sự rò rỉ này gây căng thẳng thêm cho trái tim vốn đã bị thương tổn (hở van 2 lá).
Loạn nhịp tim (như chậm dẫn truyền, block nhánh và loạn nhịp nhanh, rung nhĩ): Ngoài việc làm giảm khả năng cung cấp đủ máu cho cơ thể, các cơ tim bị kéo căng và có sẹo do bệnh cơ tim có thể dẫn đến nhịp tim bất thường, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Rối loạn chức năng tâm trương: Khi chức năng co bóp của cơ tim suy yếu, không chỉ hoạt động bóp/bơm (tâm thu) bị suy giảm mà còn giảm khả năng tim thư giãn để hút máu vào chu kỳ bơm tiếp theo. Đây được gọi là tình trạng rối loạn chức năng tâm trương.
Tăng áp động mạch phổi: Nếu tình trạng hở van 2 lá trầm trọng hơn, điều này càng làm suy giảm khả năng thư giãn của tim giữa các chu kỳ bơm máu. Tim trở nên căng cứng hơn và máu trào ngược lên phổi, đưa đến sung huyết phổi và tăng áp động mạch phổi.
Phù: trung ương (sung huyết phổi và gan to) và ngoại biên (phù các cơ quan như tay, chân, mặt…).
Hình thành huyết khối: Do dòng chảy chậm được tạo ra bởi hoạt động bơm máu của tim bị suy yếu, cục máu đông có thể phát triển trong tim.
Các cục máu đông rất nguy hiểm vì chúng có thể vỡ ra, di chuyển qua mạch máu và lưu trú trong não hoặc phổi, làm tắc nghẽn lưu lượng máu và dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong.
Ngừng tim đột ngột: Biến chứng này có khả năng xảy ra ở 2% bệnh nhân.
Phòng ngừa bệnh cơ tim giãn nở
Không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa các bệnh lý cơ tim do di truyền. Thế nhưng, bạn có thể giảm nguy cơ mắc các tình trạng có thể dẫn đến bệnh cơ tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim bằng cách thay đổi lối sống:
Có chế độ ăn uống lành mạnh: Đa dạng các loại trái cây, rau xanh và ngũ cốc. Trong đó, một nửa số ngũ cốc nên đến từ các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, ngô (bắp),…
Chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Các lựa chọn lành mạnh bao gồm thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá không chiên, các loại đậu (đậu nành, đậu phộng, đậu đen, đậu trắng…) cũng như sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.
Nêm nếm ít muối khi chế biến thức ăn. Việc sử dụng nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, từ đó tăng khả năng mắc bệnh cơ tim.
Ưu tiên các loại thực phẩm và thức uống ít đường.
Hạn chế uống rượu.
Duy trì cân nặng ổn định bằng cách đảm bảo lượng calo nạp vào hàng ngày không cao hơn mức calo tiêu hao.