"Kịch bản" siết nợ và đấu giá của Agribank Chợ Lớn

(khoahocdoisong.vn) - Với các tài sản để “siết nợ” là quyền sử dụng đất khu dân cư Mỹ Phước 4, Cầu Đò và Hòa Lân, Agribank Chợ Lớn chọn Công ty Nam Sài Gòn là đơn vị tổ chức đấu giá. Và, các doanh nghiệp của cặp vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thuận - Đặng Thị Kim Oanh cũng luôn trúng đấu giá.

“Liên minh” đấu giá

Như đã thông tin trên KH&ĐS số 47, ngày 17/4/2020, Công ty CP đầu tư phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) là doanh nghiệp “độc hành” tham gia và trúng đấu giá các khu đất tại dự án Mỹ Phước 4 và dự án Cầu Đò mà Agribank Chợ Lớn và Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) tổ chức. Đây là các tài sản do Agribank Chợ Lớn “siết nợ” của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú).

Vậy nhóm Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn và Công ty Thuận Lợi có những quan hệ như nào?

Được biết, Công ty Nam Sài Gòn do 6 cổ đông đăng ký góp vốn thành lập vào tháng 7/2013 với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Việt Hưng đăng ký góp 1,8 tỷ đồng sở hữu 60% vốn điều lệ chiếm đa số cổ phần, số còn lại là do các ông Ngô Hoàng Anh, Đoàn Trung Dũng, Đỗ Đại Minh, Đoàn Văn Khao và Lê Hồng Phương đóng góp.

Từ tháng 3/2015, Công ty Nam Sài Gòn chỉ còn lại 3 cổ đông, trong đó ông Nguyễn Việt Hưng đã sở hữu tới 76% cổ phần, còn lại là do ông Đoàn Trung Dũng và cổ đông mới là bà Nguyễn Thị Bích mỗi người sở hữu 12%. Cá nhân ông Nguyễn Việt Hưng là Chủ tịch HĐQT của Nam Sài Gòn.

Đáng nói, ông Hưng ngoài vai trò là Chủ tịch HĐQT Nam Sài Gòn, còn là Trưởng phòng Pháp chế, Phó trưởng phòng Hành chính nhân sự tại Agribank Chợ Lớn.

Khá khó hiểu là Công ty Nam Sài Gòn thành lập năm 2013, nhưng theo tài liệu thu thập được, từ tháng 9/2008 ông Hưng đã làm việc tại Agribank Chợ Lớn và có đề nghị Ngân hàng ký hợp đồng bán đấu giá với Công ty Nam Sài Gòn để bán đấu giá dự án Khu dân cư Cầu Đò và Mỹ Phước 4.

Những thông tin trên cho thấy ông Nguyễn Việt Hưng là cá nhân rất quan trọng trong “thương vụ” đấu giá tài sản của Công ty Thiên Phú theo xu hướng giảm giá khởi điểm sau nhiều lần tổ chức như KH&ĐS đã thông tin tại số báo trước.

Thông tin bổ sung, sau khi được Agribank Chợ Lớn chọn và hoàn tất việc tổ chức đấu giá các tài sản là các quyền sử dụng đất các dự án mà Công ty Thiên Phú thế chấp, đến nay Công ty Nam Sài Gòn đã tạm dừng hoạt động.

Về Công ty Thuận Lợi - doanh nghiệp một mình tham gia và trúng đấu giá khu Mỹ Phước 4 và Cầu Đò - đây là một thành viên quan trọng trong “hệ sinh thái” của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TPHCM (Công ty Kim Oanh) do vợ chồng ông Nguyễn Thuận và bà Đặng Thị Kim Oanh làm chủ.

Thời điểm tháng 11/2017, Công ty Thuận Lợi nắm giữ tới 99% cổ phần tại Công ty Kim Oanh. Đến tháng 4/2018 Công ty Thuận Lợi chỉ còn nắm giữ 45% cổ phần tại Công ty Kim Oanh, trong khi đó vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Oanh và ông Nguyễn Thuận mỗi người sở hữu 18,67% cổ phần.

Công ty Thuận Lợi hiện do bà Đặng Thị Kim Oanh làm Chủ tịch HĐQT và chồng bà là ông Nguyễn Thuận giữ chức Tổng Giám đốc. Bà Oanh cũng là Tổng Giám đốc tại Công ty Kim Oanh.

Ngoài Công ty Kim Oanh và Công ty Thuận Lợi bà Oanh còn sở hữu Công ty CP dịch vụ - thương mại và xây dựng địa ốc Kim Oanh; Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú. Còn ông Nguyễn Thuận có sở hữu thêm Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội.

Nhóm doanh nghiệp Kim Oanh trúng đấu giá tài sản là các dự án của Công ty Thiên Phú thế chấp cho các khoản vay tại Agribank Chợ Lớn.

Nhóm doanh nghiệp Kim Oanh trúng đấu giá tài sản là các dự án của Công ty Thiên Phú thế chấp cho các khoản vay tại Agribank Chợ Lớn.

Kịch bản lặp lại

Trước đó, chính Công ty Kim Oanh (trước đây có tên Công ty A Đông Hải) cũng tham gia và trúng đấu giá quyền sử dụng đất Khu dân cư Hòa Lân có diện tích gần 50ha. Khu đất này cũng của Công ty Thiên Phú và cũng bị Agribank “siết nợ”.

Kịch bản trúng đấu giá khu dân cư Hòa Lân cũng tương tự như các khu Mỹ Phước 4 và Cầu Đò khi Agribank Chợ Lớn và Nam Sài Gòn đã phải tổ chức đấu giá tới hơn 10 lần. Khu dân cư Hòa Lân cũng tổ chức tới 12 lần đấu giá, các lần tổ chức lại đều điều chỉnh giảm giá so với khởi điểm. Trong đó lần 2 giảm 2%; lần 3 giảm 5%; lần 4, lần 5 và lần 7 đều giảm 10%; lần 8 giảm 3% và lần 9 giảm 1%.

Ngày 25/5/2017, phiên đấu giá tài sản lần thứ 13 đã được tổ chức tại trụ sở của Công ty Thiên Phú với giá khởi điểm là 963 tỷ đồng. Tại phiên đấu giá này có 3 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá, trong đó có Công ty A Đông Hải (hiện là Công ty Kim Oanh) đã mua trúng tài sản đấu giá với mức 1.353 tỷ đồng sau 14 vòng trả giá, cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Dù vậy giá trúng này vẫn nhỏ hơn so với giá khởi điểm đầu tiên, khi giá khởi điểm là 1.467,7 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, cả 3 tài sản là quyền sử dụng đất các dự án bất động sản được Công ty Thiên Phú thế chấp cho các khoản vay tại Agribank Chợ Lớn đều bị “siết nợ” và đều về tay nhóm Công ty Kim Oanh, hay nói cách khác là về tay các doanh nghiệp do vợ chồng bà Đặng Thị Kim Oanh và ông Nguyễn Thuận sở hữu.

Đặc biệt các cuộc đấu giá trên đều phải trải qua nhiều lần đấu giá, khiến kết quả giá trúng đấu giá bao giờ cũng giảm “sâu” so với giá khởi điểm ban đầu đưa ra. Trong đó, nổi bật là vai trò của Công ty Nam Sài Gòn - doanh nghiệp luôn được Agribank Chợ Lớn chọn và có mối quan hệ gắn kết với nhau, ít nhất là qua ông Nguyễn Việt Hưng - Trưởng phòng Pháp chế Agribank Chợ Lớn kiêm Chủ tịch HĐQT Nam Sài Gòn.

Đồng thời, giữa Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn còn thế chấp và nhận thế chấp cả phần diện tích đất dự án Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trái pháp luật. Bên cạnh đó, cùng sự kết hợp giữa Agribank Chợ Lớn và Công ty Nam Sài Gòn, toàn bộ đất được giao có thu tiền và không thu tiền sử dụng đất tại các dự án của Công ty Thiên Phú đều bị đem ra bán đấu giá. 

Chưa dừng lại ở đó, có không ít tài sản thâu tóm với giá thấp hơn giá khởi điểm đã được nhóm Công ty Kim Oanh đem đi thế chấp tiếp tại ngân hàng khác để vay những khoản tiền lớn gấp nhiều lần giá thâu tóm. Không ít tài khoản vay này chưa được đăng ký thế chấp, cũng như chưa đủ thủ tục để thế chấp.

Đó là nội dung KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Đời sống
back to top