Đề án "giúp" vào đại học với điểm... dưới chuẩn
Được biết, ngày 17/6/2013, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (Ban QLKKT Nghi Sơn) có văn bản số 683 gửi UBNB tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ban QLKKT Nghi Sơn. Ngày 02/7/2013 UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4818/UBND-THKT giao Sở Nội vụ tham mưu nội dung nêu trên.
6 ngày sau, ngày 8/7/2013, Sở Nội vụ có Công văn 613/SNV-ĐT về việc tham mưu về Đề án. Ngày 23/7/2013 UBND tỉnh có văn bản số 5571/UBND-THKT gửi Sở Nội vụ và Ban QLKKT Nghi Sơn, đồng ý với nội dung mà sở Nội vụ đã tham mưu, đề xuất.
Ngày 3/9/2013, Ban QLKKT Nghi Sơn có văn bản số 1138/TTr-BQLKKTNS gửi UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án.
Tiếp đó, ngày 17/9/2013, UBND tỉnh có văn bản số 7363/UBND-VX, giao Sở KH&ĐT phối hợp với các sở liên quan đề xuất ý kiến và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét.
Ngày 10/12/2013 tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4396/QĐ-UBND Phê duyệt Đề cương Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu KT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.
Như vậy, từ khi có tờ trình của Ban QLKKT Nghi Sơn đến khi UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt đề cương Đề án mất khoảng 6 tháng. Quyết định này do ông Vương Văn Việt – Phó Chủ tịch UNND tỉnh Thanh Hóa ký.
Văn bản Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tham gia ý kiến giải quyết đề nghị của Ban QLKKT Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp về chỉ tiêu đào tạo nhân lực. |
Tuy nhiên, đến ngày 27/4/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa mới có Quyết định số 1582/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
Ngày sau khi kế hoạch triển khai được phê duyệt, trong năm 2015, Ban QLKKT Nghi Sơn đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) - Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) tuyển sinh khóa đầu tiên với 34 sinh viên nhập học tại Đại học Thủy Lợi.
Tiếp đó, năm 2016 đã có 156 sinh viên nhập học tại các trường với số lượng cụ thể: Đại học Y dược Thái Bình: 4; Đại học Công đoàn: 77; Đại học Thuỷ Lợi: 7; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 68.
Đáng bàn là, trong 2 năm 2015, 2016 UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Ban QLKKT Nghi Sơn phối hợp với Trung tâm GDTX - Đại học Hồng Đức thực hiện mà không tham khảo ý kiến các sở ban ngành khác.
Thông báo tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa năm 2017 của Trung tâm GDTX - Trường Đại học Hồng Đức. |
Riêng năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản giao Sở KH&ĐT Thanh Hóa lấy ý kiến của các ngành liên quan về nội dung này. Tuy nhiên, theo văn bản số 602/SGDĐT-GDCN ngày 31/3/2017 của Sở GD&ĐT chỉ ra nhiều điểm bất thường tại nội dung đề xuất:
Cụ thể: Trong Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá không giao nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học đối với đối tượng học sinh mới tốt nghiệp THPT, nên việc Ban QLKKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp căn cứ quyết định này để đề xuất là không có cơ sở;
Thứ hai, việc thẩm định điều kiện và xác định chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học cho các trường đại học được thực hiện theo Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD&ĐT, trên cơ sở năng lực đào tạo của các trường đại học, nên việc UBND tỉnh Thanh Hoá chủ động đề xuất với Bộ GD&ĐT bổ sung chỉ tiêu đào tạo bậc đại học cho các trường đại học là không có cơ sở";
Thứ ba, việc đào tạo nhân lực này căn cứ theo Công văn số 4348/BGDĐT-KHTC ngày 26/8/2015 của Bộ GD&ĐT về việc đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ của các địa chỉ thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Công văn số 9241/UBND-VX ngày 10/9/2015 và số 9292/UBND ngày 11/9/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ý kiến của Sở GD&ĐT là vậy, nhưng năm 2017 vẫn có đến 249 sinh viên nhập học tại các trường. Cụ thể: Đại học Y dược Thái Bình: 19; Đại học Giao thông Vận tải: 21; Đại học Ngoại Thương: 23; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 83; Đại học Kinh tế Quốc dân 103. Cũng có thể nói rằng, Sở KH&ĐT Thanh Hóa lấy ý kiến của các ngành chỉ là thủ tục, còn thực tế dường như đã an bài.
Đáng lưu ý là, hầu hết các sinh viên này đều nhập học với số điểm thấp hơn điểm chuẩn của nhà trường từ 1 - 2 điểm.
Hàng loạt Đảng viên bị xử lý
Như đã nêu trên, ngày 13/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Thông báo số 377-TB/UBKTTU về xem xét, xử lý kỷ luật đảng của các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan đến việc thực hiện Đề án này, một số đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật Đảng.
Cụ thể: Về phía UBND tỉnh Thanh Hóa: Ông Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; Ông Nguyễn Mạnh An, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; Ông Trần Chí Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Trưởng ban QLKKT Nghi Sơn, Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; Ông Phạm Đình Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Việc quyết định xử lý nêu trên được căn cứ trên mức độ vi phạm và áp dụng Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Về phía Trường Đại Học Hồng Đức, thông báo cũng nêu rõ: Đảng ủy Trường Đại học Hồng Đức đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm GDTX - Trường Đại học Hồng Đức và ông Võ Hồng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh yêu cầu Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho thôi giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm GDTX và điều chuyển công tác khác đối với ông Võ Hồng Sơn.
Về phía Đảng ủy Ban QLKKT Nghi Sơn quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Hải - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quản lý đầu tư, nguyên Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động, Ban QLKKT Nghi Sơn.