PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, ngâm rau củ quả trong giấm, chanh hay nước vo gạo ít nhiều cũng có tác dụng làm sạch, loãng độc tố hoặc làm thay đổi thành phần của độc tố nếu có. Dung dịch này có tác dụng hòa tan, kết tủa những chất còn bám dính trên rau củ. Ví dụ như nếu trên lá rau còn tồn dư chất bazo thì khi ngâm vào nước chanh, giấm hoặc nước vo gạo cũng có axit sẽ làm loãng, hòa tan cùng với nước, từ đó làm sạch thực phẩm.
Tuy nhiên, đó là với những rau củ có hàm lượng thuốc trừ sâu rất thấp. Còn đối với rau quả đã bị nhiễm thuốc trừ sâu nồng độ quá cao thì việc ngâm, rửa như vậy không có ý nghĩa gì. Bởi vì chất độc ngấm sâu vào rau quả thường là muối của các loại kim loại. Phun với nồng độ cao thì chúng có thể đi vào trong rau quả, không thể riuwar hết được và gần như là rất khó xử lý.
Thuốc trừ sâu được hòa tan trong dung môi, khi phun người ta pha ra nước với nồng độ khá loãng. Trong quá trình bám trên lá rau củ, dưới tác động của không khí, ánh nắng, gió mà hàm lượng này tự tan đi hết nếu đảm bảo đúng cách ly.
Do đó, cùng với việc sơ chế rau thật sạch sẽ, cẩn thận thì các bà nội trợ phải lựa chọn kỹ hơn các loại rau củ quả đảm bảo chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Nên mua ở các cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng, dù giá thành có cao hơn. Với những loại rau quá xanh non, mỡ màng, rau trái mùa, rau có mùi lạ… thì phải cảnh giác, không nên mua.