Không xây dựng các lò đốt rác cấp xã

(khoahocdoisong.vn) - Các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh

40-55% chất thải nông thôn được thu gom

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường – TN&MT), tại Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Một số bãi rác này hiện đã “đóng cửa”.

Theo chủ trương của Chính phủ, rác phải được thu gom và phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy công tác thu gom chất thải rắn tại nông thôn cũng đã được chú trọng trong những năm gần đây, nhưng cũng chủ yếu tập trung ở các khu vực nông thôn vùng đồng bằng. Còn ở khu vực miền núi, do tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà (đổ ra vườn).

Theo thống kê, khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản, song tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.

Theo Bộ TN&MT, hiện nay, mỗi ngày khu vực nông thôn xả ra hơn 24.000 tấn rác. Nhiều tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh.

Mỗi xã một lò đốt

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện đang gặp nhiều bất cập, như quy hoạch không hợp lý dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay các bãi chôn lấp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Hiện nay, có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Riêng đối với việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, hiện nay nhiều địa phương đang có chủ trường xây dựng các lò đốt ở quy mô cấp xã. Các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt này hầu hết là các lò đốt quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/h.

Điều đáng nói là, các lò đốt này hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, phần lớn vẫn đốt theo phương pháp truyền thống do cả đội ngũ nhân lực vận hành lò. Hệ quả là không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là đối với các chất độc hại như dioxin.

Do đó, ông Hiền cho rằng các địa phương phải cải tạo nâng cấp các lò đốt chất thải rác sinh hoạt đảm bảo khí thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Tuy nhiên, các địa phương không nên xây dựng các lò đốt chất thải cấp xã, huyện mà nên có chiến lược xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của tư nhân tham gia xử lý rác ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Thực tế đã có nhiều mô hình xử lý bãi rác thành mặt bằng sạch để phục vụ cho phát triển, như cải tạo bãi rác Mễ Trì (Hà Nội) trở thành Khu đô thị Mễ Trì; cải tạo bãi rác thành công viên ở Xuân Trường (Nam Định)…

Được biết, hiện trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang chuẩn bị trình Quốc hội, Bộ TN&MT đã đề nghị xem xét vấn đề “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, người phát sinh ô nhiễm buộc phải đóng góp kinh phí cho Nhà nước theo khối lượng chất thải phát sinh hàng ngày để tăng cường cho việc thu gom xử lý chất thải.

Quốc Trọng

Theo Đời sống
back to top