Ông Nguyễn Văn Đại (Hà Nội) có đợt tự dưng ăn nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, đi khám tình cờ phát hiện bệnh đái tháo đường. Sau khi được phát hiện bệnh, do chủ quan, ông không chữa trị thường xuyên. Ông nghĩ, đái đường cũng như các bệnh khác, uống hết thuốc là khỏi. Nếu đường máu cao là ông mang thuốc ra uống. Cứ điều trị như vậy vài năm, cách đây ít lâu ông Đại thấy bàn chân chảy nước nên tự mua kháng sinh về điều trị nhưng không đỡ. Khi sốt cao, phải nhập viện thì bàn chân ông đã loét nặng. Ông phân trần với bác sĩ là bàn chân loét nhưng không đau nên ông tự chữa mà không đến viện.
Lời bàn: ThS.BS Đỗ Đình Tùng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hậu quả điều trị đái tháo đường không đến nơi đến chốn là biến chứng loét bàn chân, có nguy cơ phải tháo chân. Đái tháo đường là do rối loạn chuyển hóa gây ra, việc điều trị tùy tiện, không theo chỉ dẫn của bác sĩ dẫn đến nhiều biến chứng đáng tiếc. Trường hợp bệnh nhân Đại kiểm soát đường máu rất kém do không được hướng dẫn cách dùng thuốc, chế độ ăn và tập luyện…
Bệnh nhân cũng không biết cách tự chăm sóc nên khi vào viện, tình trạng bàn chân đã có nhiều biến chứng đi kèm, trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng hoại tử chi. Với trường hợp này bác sĩ phải điều trị tích cực ngay từ đầu, phối hợp nhiều kỹ thuật mới để bảo tồn bàn chân. Sau chữa trị tỷ lệ tái phát loét vẫn rất cao, vì vậy bệnh nhân cần kiểm soát đường huyết, hạn chế đi bộ, mỗi khi đi bộ nên đi dép mềm, cỡ giầy dép vừa phải để bảo vệ bàn chân, tránh trầy xước.