ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, khoảng 80% người bị cúm diễn biến lành tính. Ở người khỏe mạnh thì sau 3 - 5 ngày bệnh tự khỏi mà không cần điều trị.
Việc người dân tự mua kháng sinh điều trị bệnh này sẽ không có tác dụng, thậm chí có hại cho cơ thể. Bởi kháng sinh không diệt virus cúm mà càng khiến bệnh diễn tiến nặng hơn cũng như làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.
Điều quan trọng nhất trong phòng ngừa và điều trị cúm là giữ gìn sức khỏe, gia tăng sức đề kháng vì virus cúm không tự sinh sản được mà phải nhờ bộ máy di truyền của tế bào cơ thể người.
Vì thế, không thể ngăn cản sự sinh sản của virus bằng thuốc mà phải nâng cao hệ miễn dịch để chống lại nó. Cách tốt nhất là ăn uống cân bằng dưỡng chất, sống có lao động nghỉ ngơi hài hòa với vui chơi giải trí…
Đặc biệt, cần phải uống nước liên tục, bởi cúm gây sốt làm mất cân bằng điện giải gây hại cơ thể. Mặt khác, thiếu nước thì niêm mạc đường hô hấp trên bị khô, sẽ thuận lợi cho virus xâm nhập.
Khi bị cúm cần xét nghiệm để được điều trị và phòng ngừa sớm, bệnh sẽ nhanh khỏi và tránh lây bệnh cho người khác. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ cần chú ý đến các tổn thương giai đoạn sau của bệnh. Khi bị bội nhiễm vi khuẩn có thể gây viêm phổi và nhiều biến chứng nguy hiểm, lúc này mới được chỉ định dùng kháng sinh.
Tuyệt đối không nên dùng thức ăn khó tiêu trong khi bị bệnh. Nên ăn nhẹ, thức ăn dễ tiêu. Có thể uống sữa không đường, cháo giải cảm (gạo, đậu xanh, cá, lươn, hoặc tôm khô nấu nhừ thêm nhiều hành củ giã nát), ăn nóng.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư, thuốc kháng virus cúm được chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.
Thuốc được sử dụng hiện nay là Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir. Liều lượng Oseltamivir được tính theo lứa tuổi và cân nặng. Thời gian điều trị là 5 ngày. Zanamivir: Dạng hít định liều, sử dụng trong các trường hợp không có Oseltamivir hoặc kháng với Oseltamivir.
Ngoài ra, có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, hạ sốt chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin. Quan trọng nhất là cân bằng nước điện giải và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Tiêm văcxin là biện pháp hiệu quả nhất để ngừa bệnh cúm. Tiêm ngừa văcxin cúm hằng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.
Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng là:
- Nhân viên y tế.
- Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi.
- Phụ nữ chuẩn bị có thai.
- Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...).
- Người trên 65 tuổi.
- Văcxin ngừa cúm có hiệu lực bảo vệ đạt khoảng từ 70 - 80% cho người lớn khỏe mạnh và đạt đỉnh điểm bảo vệ sau khi tiêm khoảng 3 tuần, đồng thời duy trì mức bảo vệ cao trong vòng 6 tháng. Do đó, nên tiêm phòng vào những tháng trước khi mùa dịch phát triển.
- Cúm mùa thay đổi hàng năm. Do vậy, trước khi tiêm cần yêu cầu bác sĩ tư vấn xem loại văcxin được tiêm có phù hợp với khuyến cáo của WHO cho mùa cúm năm nay hay không và chú ý hạn sử dụng, nếu không sẽ lãng phí tiền mà hiệu quả phòng bệnh lại không đầy đủ".