Theo Vietinbank, ngân hàng đang rao bán 76 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống nhưng bị quá hạn, với tổng giá trị ghi sổ khoản nợ gồm gốc, lãi và lãi phạt là hơn 1,64 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản vay tiêu dùng này không có tài sản bảo đảm. Vietinbank chỉ rao bán với giá khởi điểm bằng với giá trị ghi sổ khoản nợ, và cũng yêu cầu khách hàng đóng tiền đặt trước bằng đúng giá khởi điểm.
Trong loạt khoản nợ được rao bán này, có khoản nợ thấp tới mức chỉ hơn 1 triệu đồng và nhiều nhất là khoản nợ hơn 73 triệu đồng. Khách hàng có thể mua từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả khoản nợ được rao bán, tùy thuộc vào mong muốn của khách hàng.
Tuy nhiên, Vietinbank cũng thông báo, giá khởi điểm của những khoản vay tiêu dùng được rao bán này không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có).
Các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại khác cũng liên tục rao bán hàng loạt khoản nợ hoặc rao bán tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ. Nhiều khoản nợ được rao bán không ít lần, hạ giá liên tục nhưng vẫn nhận được tín hiệu tích cực.
Đầu tiên phải kể đến là BIDV. Mặc dù đã rao bán lần thứ 6 khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga và đã giảm gần một nửa so với mức 475 tỉ đồng ở lần rao bán đầu tiên nhưng vẫn chưa ai mua.
Khoản nợ gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ. Tổng dư nợ của khoản vay tính đến đầu tháng 7-2021 là hơn 475 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm nhiều quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại huyện Bình Chánh, TP. HCM; nhà xưởng; quyền xây dựng đất và nhà xưởng ở huyện Bình Chánh…
Vietcombank cũng vừa rao bán một khoản nợ hơn 1.184 tỉ đồng của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam. Bán theo hình thức bán đấu giá hoặc thỏa thuận.