<div> <p>Bộ trưởng Nội vụ <span>Đức</span> Horst Seehofer cho biết Thủ tướng Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng ngày 16/3, và sẽ thảo luận một chiến lược để bảo vệ công ty CureVac, sau khi có tin <span>Mỹ</span> muốn mua lại công ty này.</p> <p>Virus corona không chỉ là khủng hoảng y tế công cộng, mà còn là “vấn đề an ninh quốc gia”, ông Seehofer phát biểu ngày 15/3. Ông nói chính phủ không những phải đảm bảo an ninh biên giới và nguồn lương thực, mà còn phải bảo vệ “dược phẩm của chúng ta”.</p> <p>Trước đó, tờ báo Đức <em>Die Welt</em> đưa tin ban đầu về sự việc trên trang nhất với tít “Trump vs Berlin”, và cho biết Tổng thống Trump đề nghị trả cho công ty CureVac khoảng <abbr class="rate-usd">1 tỷ USD</abbr> để có độc quyền vắc-xin phòng Covid-19. Tờ báo dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Đức nói ông Trump muốn vắc-xin “chỉ cho nước Mỹ”.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="'Khong the ban' - Duc gian du ve tin My mua doc quyen vac-xin Covid-19 hinh anh 1 4394_AFP.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/08/4394_afp.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Tờ <em>Die Welt </em>đưa tin Tổng thống Trump đề nghị trả cho công ty CureVac khoảng <abbr class="rate-usd">1 tỷ USD</abbr> để có độc quyền vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: <em>AFP.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3><strong>Quan chức Nhà Trắng phủ nhận</strong></h3> <p>CEO của công ty CureVac, Daniel Menichella, cùng đại diện một số công ty dược, được mời đến Nhà Trắng vào ngày 2/3 gặp Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence.</p> <p>"Chúng tôi rất tự tin sẽ đủ khả năng phát triển một vắc-xin tiềm năng trong vài tháng tới", ông Menichella phát biểu sau chuyến đi Washington đầu tháng 3.</p> <p>Nhưng cách đây bốn ngày, công ty CureVac tuyên bố ông Menichella, một người quốc tịch Mỹ, sẽ rời công ty. Công ty không nói rõ lý do mà chỉ cảm ơn ông vì những đóng góp.</p> <p>Khi được phóng viên yêu cầu xác nhận thông tin chính quyền Mỹ đã cố mua lại công ty Đức nghiên cứu vắc-xin, Bộ trưởng Nội vụ Seehofer đáp lại rằng ông đã nghe thông tin đó từ “một số thành viên chính phủ, và sẽ thảo luận trong cuộc họp khẩn cấp ngày 16/3”.</p> <p>Một quan chức khác giấu tên nói với <em>New York Times </em>rằng công ty Đức được đề nghị một “khoản tiền lớn”. <em>Die Welt </em>cũng đưa tin chính phủ Đức đang có khoản đề nghị của riêng mình để thuyết phục công ty ở lại Đức.</p> <p>Nhưng một quan chức Đức khác nói với <em>New York Times </em>rằng vẫn chưa rõ chính quyền Mỹ muốn chỉ nước Mỹ có vắc-xin, hay chỉ cần có được công trình nghiên cứu vắc-xin.</p> <p>Hai quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với <em>New York Times </em>rằng câu chuyện trên đã được thổi phồng. Một trong hai người cho biết chính quyền Trump trao đổi với hơn 25 công ty có thể góp phần chế tạo vắc-xin, và bỏ ngỏ khả năng trao đổi với các công ty khác. Mọi giải pháp đều sẽ được chia sẻ với thế giới, quan chức này nói.</p> <p>Ngoài Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, nhiều quan chức Đức khác có phản ứng gay gắt về bài báo trên <em>Die Welt </em>vào ngày 15/3.</p> <p>“Việc bán vắc-xin độc quyền tại Mỹ phải được ngăn chặn bằng mọi giá”, Karl Lauterbach, một nghị sĩ Đức đồng thời là giáo sư dịch tễ học, viết trên Twitter. “Chủ nghĩa tư bản cũng phải có giới hạn”.</p> <h3><strong>Quan chức Đức giận dữ</strong></h3> <p>Peter Altmaier, bộ trưởng phụ trách kinh tế của Đức, khen ngợi công ty vì không bị lôi kéo bởi đề nghị của Mỹ. “Đó là quyết định đúng đắn”, ông nói trên tivi tối 15/3. “Đức không phải để bán”.</p> <p>Ông Altmaier cho biết chính phủ “sẽ đảm bảo có các hỗ trợ cần thiết” đối với các công ty đang sản xuất vắc-xin, và nếu có bên nào muốn mua lại, chính phủ Đức sẽ can thiệp. “Đối với cơ sở hạ tầng quan trọng cho lợi ích quốc gia và châu Âu... chúng tôi sẽ hành động nếu cần thiết”, ông nói.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="'Khong the ban' - Duc gian du ve tin My mua doc quyen vac-xin Covid-19 hinh anh 2 virrus_corona_AFP.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/12/virrus_corona_afp.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Cảnh sát Ba Lan siết chặt kiểm soát biên giới với Đức, nước đang bùng phát lây lan virus corona. Ảnh: <em>AFP.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>“Bây giờ hợp tác quốc tế mới là quan trọng, không phải lợi ích mỗi quốc gia”, Erwin Rueddel, một nghị sĩ bảo thủ nằm trong Ủy ban Y tế của Quốc hội Đức, phát biểu.</p> <p>“Hiển nhiên ông Trump sẽ dùng mọi cách khi đang mùa tranh cử”, Christian Lindner, lãnh đạo đảng FDP, cáo buộc tổng thống Mỹ.</p> <p>Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói việc chính quyền Trump mua lại CureVac “sẽ không xảy ra”. CureVac sẽ phát triển vắc-xin cho cả thế giới, “không chỉ cho từng nước”, ông nói.</p> <p>Nhà đầu tư chính của công ty CureVac cũng loại trừ khả năng cung cấp vắc-xin cho chỉ một đất nước. “Chúng tôi muốn phát triển vắc-xin cho cả thế giới, chứ không phải cho từng nước cụ thể”, Christof Hettich, giám đốc điều hành của công ty Dievini Hopp Biotech Holding, nói với tờ báo <em>Mannheimer Morgen. </em></p> <p>Bản thân công ty CureVac ra thông cáo ngày 15/3 phủ nhận việc bán công ty hay bán công nghệ, nhưng không bình luận cụ thể gì thêm. Công ty đã bắt đầu nghiên cứu một số loại vắc-xin và giờ đang chọn hai loại triển vọng nhất để thử nghiệm lâm sàng, với hy vọng sẽ có vắc-xin thử nghiệm vào tháng 6-7. Nhiều công ty khác cũng đang nghiên cứu vắc-xin.</p> <p>Phòng thí nghiệm CureVac đang phối hợp với Viện Paul Ehrlich, thuộc Bộ Y tế Đức. Trước đó, trả lời <em>Die Welt</em>, một phát ngôn viên cơ quan này nhấn mạnh chính phủ Đức muốn "việc phát triển vắc-xin và các hoạt chất chống virus corona chủng mới được tiến hành ở Đức và châu Âu. Người này chỉ tiết lộ chính phủ Đức đang có những thảo luận sâu với phía CureVac.</p> <p>Công ty công nghệ sinh học CureVac, đặt trụ sở tại bang Thuringia, được thành lập vào năm 2000, chuyên về phát triển các biện pháp điều trị ung thư, bệnh hiếm gặp và vắc-xin ngừa bệnh, theo website công ty.</p> <section class="section article-news-coverage" id="article-news-coverage"> <header class="section-title"> <h3> </h3> </header> </section> </div>