Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, hiện ngành điện đang phải chịu áp lực rất lớn về giá điện.
Cụ thể, tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá các nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao, giá than từ 60-70 USD/tấn thì nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn, khí LNG cũng thay đổi nhanh chóng, tăng gấp 3-4 lần so với trước đây.
Bên cạnh đó giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện đều tăng cao.
Nhưng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cân bằng nguồn điện để phục vụ phát triển kinh tế hậu Covid -19, EVN cam kết sẽ không tăng giá điện trong năm 2022.
Tuy nhiên, đại diện của EVN cũng cho biết, dưới áp lực chi phí đầu vào cao, khả năng để EVN có thể cân đối đầu vào là hết sức khó khăn. Thậm chí, lợi nhuận năm nay đã được cân đối bằng 0 để đảm bảo mức giá bán điện hợp lý.
Còn sau năm 2022, EVN sẽ tiếp tục cân đối các khoản này. Trong trường hợp không thể cân đối, sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cũng tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích.