Hình minh họa.
Lâu nay tôi không dám vào đọc mấy trang pháp luật vì lắm vụ giết người, cướp của kinh hồn. Đọc rồi cứ bị ám ảnh, khiếp sợ, thấy cuộc sống sao mà đen tối.
Giờ lại thêm sợ mấy trang văn hoá, quanh đi quẩn lại chỉ thấy “sao” này bỏ chồng. “Sao” kia ly dị vợ, cặp bồ tùm lum, khoe của rùm beng, lừa tiền lừa tình. Và mới đây nhất là cảnh hôn môi rất phản cảm của một ca sĩ…
Nói thật, có nghệ sĩ tôi chả biết họ đóng góp gì cho nền nghệ thuật. Mà chỉ được biết đến với scandal đánh ghen, lộ ảnh nóng hoặc những bộ quần áo đắt tiền, xe siêu sang…
Đọc những tin bài đó không thể hình dung được nền văn hoá, nghệ thuật nước nhà ra làm sao. Chả lẽ quanh đi quẩn lại chỉ có mấy chuyện vớ vẩn như vậy? Chắc chắn không phải thế.
Có biết bao nghệ sĩ vẫn thầm lặng cống hiến cho nghệ thuật đích thực nhưng lại chưa được biết đến. Vì họ không muốn phô trương. hay vì báo chí có những tiêu chí riêng khi khai thác về văn hoá, nghệ thuật?
Sao cứ phải tìm những thứ rẻ tiền như thế để câu khách? Không thể đổ cho thị hiếu độc giả mà phải nói tới nhân cách, bản lĩnh, định hướng của người viết. Có người đã nhận xét, nhà báo phỏng vấn nghệ sĩ Đặng Thái Sơn mà không hỏi gì về âm nhạc. Chỉ tập trung vào những chuyện đời tư. Vì có biết gì đâu mà hỏi, có hiểu gì đâu mà dám hỏi. Xấu hổ quá!
Đừng đổ cho hoàn cảnh khách quan, cho xã hội. Chính bản thân mình cũng chưa có đủ trình độ, nhận thức cái gì là nghệ thuật chân chính, cái gì chỉ là giải trí.
Vẫn biết rồi những thứ vớ vẩn này sẽ bị quên lãng, sẽ bị vùi lấp. Cái gì là nghệ thuật đích thực, chân chính sẽ tồn tại mãi với thời gian. Nhưng nếu cứ đợi cho nó tự qua đi thì lãng phí thời gian quá.
Trong khi giáo dục vẫn chưa tìm ra cách gì để giáo dục thẩm mỹ cho đại chúng. Mỗi người đang tự mò mẫm để tự trang bị cho mình một vốn kiến thức nhất định. Các phương tiện truyền thông đừng làm lệch lạc thị hiếu của người đọc bằng những bài viết dễ dãi. Và những chuyện rẻ tiền như thế xin đừng đưa vào trang văn hoá. Đấy không thể là văn hoá mà là phản văn hoá.
Minh Anh