Không nhất thiết phải giao bài tập cho trẻ khi nghỉ do dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Có thể chia sẻ bài viết, nhật kí, clip vài chục giây nói suy nghĩ của trẻ về thời tiết, về phim ảnh, vệ sinh nhà cửa, giữ ấm bản thân… giáo dục trí tuệ cảm xúc cho trẻ, chứ không nhất thiết phải giao phiếu bài tập.

Giáo dục trí tuệ cảm xúc cho trẻ

Đợt nghỉ học tạm thời phòng chống dịch Covid-19 của học sinh kéo dài bất ngờ khiến cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn vì không tìm được người trông con.

Bên cạnh đó, việc cho trẻ học thế nào cũng là một vấn đề gây “đau đầu”. Nhiều trường đã lựa chọn phương pháp học trực tuyến, hoặc giao bài tập online cho học sinh làm. Phương pháp này cũng được nhiều phụ huynh tán thành, và giáo viên cho rằng nhằm rèn thói quen học tập cho trẻ.

Học sinh làm bài tập khi nghỉ do dịch Covid-19. Ảnh: KH&ĐS.

Học sinh làm bài tập khi nghỉ do dịch Covid-19. Ảnh: KH&ĐS.

Tuy nhiên, khi PV KH&ĐS phỏng vấn 20 em học sinh, ở cả ba cấp 1, 2, 3, thì các em đều cho biết chỉ mong muốn hết dịch để đến trường. Các em nhớ thầy, nhớ bạn, thèm được học hành, vui chơi với các bạn.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), thực tế, trẻ có nhu cầu đến trường (mặc dù nhiều trẻ không phải là thích học. Trẻ có nhu cầu giao tiếp, cần có môi trường để bày tỏ cảm xúc, tương tác, phát triển cá nhân.

Chính vì vậy, việc dạy trực tuyến, hay giao nhiều bài tập cho học sinh… đều chỉ để giải quyết tình huống trước mắt, chứ không đáp ứng được trẻ. Khi có bạn, trẻ sẽ có cộng đồng của riêng chúng, có sự hợp tác và cạnh tranh, có tình cảm yêu thương giận hờn.

Vì thế điều quan trọng với mỗi nhà trường và gia đình là giáo dục cảm xúc cho trẻ.

Trong đợt nghỉ do phòng chống dịch Covid-19, việc giáo dục cảm xúc đó, có thể bằng cách chia sẻ bài viết, nhật kí, clip vài chục giây nói suy nghĩ của trẻ về thời tiết, về phim ảnh, về đi chơi tết, về việc vệ sinh nhà cửa, giữ ấm bản thân…

Chỉ cần như vậy, trẻ có thể tương tác với bạn bè, thầy cô, biết các kĩ năng sử dụng công nghệ, làm chủ cảm xúc, rèn luyện ngôn ngữ. Không cần thiết cứ phải phiếu bài tập.

Ông Hùng lấy ví dụ từ câu chuyện “Tottochan - cô bé bên cửa sổ”. Đây là một sáng tác văn học cảm động, bắt nguồn từ thực tế đời sống, trong đó có việc lựa chọn một môi trường giáo dục cho con.

“Vì vậy, sứ mệnh nền giáo dục không chỉ là phục vụ nhu cầu xã hội, cung cấp cho con em một nền giáo dục toàn diện, cân đối, phát triển hết tiềm năng, giáo dục con em thành những công dân tốt, có ý thức trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước; mà nền giáo dục còn phải nuôi dưỡng, duy trì trí tuệ cảm xúc cho trẻ”, ông Hùng chia sẻ.

"Trong các dạng thức cảm xúc thì không thể thiếu cảm xúc thẩm mĩ, tức là cảm xúc về cái đẹp, hướng tới cái đẹp. Một người học cảm nhận được cái đẹp của thiên nhiên, của môi trường, của mọi người xung quanh và cảm nhận vẻ đẹp của chính mình sẽ luôn biết hướng tới những giá trị tốt đẹp, hoàn thiện hơn", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng.

Cô giáo Nguyễn Hồng Nhung, Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ cũng chia sẻ, trong đợt dịch này, cô đã giao bài tập cho học sinh dưới dạng làm những video chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về một vấn đề xã hội từ những bộ phim mà cô giáo chỉ định cho các em xem.

Việc “vừa học vừa chơi” này đã đem lại sự hứng thú đặc biệt cho các em. Tất cả các học sinh đều hào hứng tham gia. Thậm chí, “có em còn trình bày giống như một nhà phê bình thực thụ vậy, khiến tôi rất ngạc nhiên. Có em bình thường cực kỳ ít nói, ít tham gia các hoạt động thì lại làm rất tốt dạng bài tập này”, cô Nhung nói.

Theo cô Nhung, trẻ em có nhu cầu được bộc lộ cảm xúc, được nói lên tiếng nói của mình, được tôn trọng, lắng nghe. Vì thế, trong đợt nghỉ học do dịch Covid này, các bài tập giao ở dạng làm sao để học sinh thấy hứng thú, phát triển cảm xúc, chứ không nặng nề về kiến thức sách giáo khoa.

Dạy trẻ kỹ năng sống

Chị Nguyễn Lan Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi có dịch Covid-19, tối nào gia đình chị cũng bật thời sự để cho các con chị cùng nghe tin tức về tình hình dịch bệnh, có ý thức về phòng tránh.

“Trong chương trình có video hướng dẫn về rửa tay an toàn, đúng cách. Bình thường ở lớp cháu cũng đã được dạy về kỹ năng này. Nhưng khi nghe kết hợp với các thông tin về dịch bệnh, hai bé nhà tôi thực hiện rất chăm chỉ. Ngày nào hai con cũng khoe, con đã rửa tay đúng cách phòng corona rồi mẹ ạ. Nhân đợt dịch này, con có ý thức về giữ gìn sức khỏe hơn”, chị Hương chia sẻ.

Ông Lê Gia Tiến, Phó ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, cần tăng cường có những khuyến cáo đối với phụ huynh về việc dạy trẻ những kỹ năng đối với trẻ trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Đầu tiên là dạy trẻ hiểu đúng về căn bệnh. Tránh làm cho trẻ quá lo lắng bởi những từ ngữ mang tính “hù dọa”. Thay vào đó, cho trẻ biết rằng, trẻ chỉ có thể nhiễm bệnh nếu như không có biện pháp giữ gìn, phòng tránh.

Song song với đó, dạy trẻ những kỹ năng phòng tránh dịch bệnh. Ví dụ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ho và hắt hơi đúng cách; không đưa tay lên mắt, mũi, chạm tay vào mặt; đeo khẩu trang thế nào cho an toàn; nếu bị sốt, ho thì cần làm gì…

Ngoài ra, có thể hướng dẫn con cùng dọn dẹp nhà cửa, làm cho môi trường sống sạch sẽ. Cần tránh các tai nạn, giữ an toàn như thế nào. Ví dụ, cách thoát hiểm khi hỏa hoạn…

Theo các chuyên gia, dạy trẻ những kỹ năng phòng chống dịch Covid-19 là hết sức cần thiết. Và những kỹ năng này, còn có ý nghĩa giữ gìn sức khỏe của trẻ lâu dài, suốt cuộc đời khi dịch kết thúc.

Như vậy, việc phòng chống dịch Covid-19 cũng là cơ hội để trẻ được học hỏi những kỹ năng bảo vệ mình nếu cha mẹ biết tận dụng “thời cơ”.

Theo Đời sống
back to top