Không ngại hoa độc

Bất cứ loại cây nào cũng có một hoạt chất nào đó không tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, không ai mua hoa về để ăn, mua cây cảnh về để làm rau… nên những cảnh báo độc tố này không đáng ngại. Việc chơi hoa, cây cảnh vẫn là một thú vui đem lại sự thư giãn và nhiều lợi ích.

“Nở rộ” hoa độc

Bà Hoàng Lan Hương (Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội) gửi thắc mắc đến KH&ĐS rằng thời gian gần đây bà đọc báo, thấy nói nhiều đến các loài hoa đẹp chơi vào dịp lễ Tết, Giáng sinh nhưng lại có độc, rất nguy hiểm. Theo đó, hoa tulip là loài hoa đẹp, dáng hoa yêu kiều khiến ai cũng say đắm, nhưng hoa tulip có khả năng gây đau đầu, chóng mặt, có thể tim đập nhanh… do chứa chất độc. Đằng sau vẻ đẹp mê mẩn của thông đỏ là độc tố cực mạnh gây chết người. Lô hội tốt cho sức khỏe và làm đẹp, nhưng có thể khiến bà bầu sinh quái thai.

Hoa chuông tím có khả năng cứu người nhưng có thể giết người trong tích tắc. Nếu sơ ý ăn phải độc tố từ hoa cẩm tú cầu có thể lập tức bị ngứa ngáy, nôn ói… Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu. Huệ lili chứa chất độc gây nôn mửa, mẩn ngứa nên thận trọng.

Là loài hoa nhỏ bé được nhiều người yêu thích, nhưng thực chất hoa linh lan lại chứa chất độc toàn thân có thể gây co giật, loạn nhịp tim khi nuốt phải. Mặc dù là loài cây cảnh đẹp và hữu ích trong cuộc sống, nhưng toàn thân hồng môn lại chứa chất độc nguy hiểm…

PGS.TS Trần Hợp, nguyên giảng viên khoa Sinh học, ĐHKHTN, ĐHQG TP HCM cho biết, thông tin về các loài cây cảnh, hoa có độc như vậy, để sử dụng cho mục đích nghiên cứu hơn là cảnh báo người tiêu dùng.

Bất cứ một loài thực vật nào cũng có những hoạt chất nhất định, nhưng không phải hoạt chất nào cũng dễ dàng tác động vào con người.

Chẳng ai mua hoa cẩm tú cầu về để ăn, kể cả trẻ con có nghịch hoa thì cùng lắm chúng chỉ làm gẫy cành, nát hoa, chứ mấy cháu ăn hoa. Hồng môn, huệ lili, lô hội, tulip hay cây thông đỏ cũng vậy. Thậm chí người ta còn có thể chiết xuất ra những hoạt chất có giá trị sử dụng trong y tế từ một số loài như thông đỏ.

Chọn hoa đẹp, an toàn chơi Tết

Theo PGS.TS Trần Hợp, hiện có tình trạng nhà vườn phun thuốc trừ sâu bảo quản hoa, đến khi thu hoạch có thể vẫn tồn dư thuốc nên khi mua hoa, thấy có mùi hắc thì phải xịt, rửa sạch trước khi cắm. Thời gian thay nước thích hợp nhất vào lúc sáng sớm và chiều tối, giúp nước trong lọ luôn sạch sẽ và việc hấp thụ nước của hoa được dễ dàng hơn.

Lưu ý, hãy rửa thật sạch bình, nếu rửa bằng xà phòng thì nhớ súc cho hết hẳn xà phòng bởi nếu còn sẽ làm thay đổi độ pH của nước và khiến hoa nhanh hỏng. Có thể thêm aspirin, B1, vitamin C vào nước cắm hoa sẽ giúp lọ hoa tươi lâu hơn.

Cũng theo PGS.TS Trần Hợp thì đối với hoa trồng chậu để trong nhà thì nên cho ra ngoài trời vào ban đêm để cây hô hấp không khí ngoài trời. Trẻ con có thể chơi, nghịch hoa thoải mái, đa phần các loại hoa không độc hại với trẻ nhỏ. Một số loại hoa hay được dùng để chơi Tết cũng nên có cách chọn riêng.

Thủy tiên là loại hoa mọc lên từ củ sống tốt hơn trong nước lạnh. Bạn lên chọn củ trắng to, cành khỏe, lá sẫm màu, nhiều nụ hoa chưa nở và hơi chúi về phía cành. Chọn hoa tulip sao cho có đa số các bông hoa chớm nở, nhụy ở giữa vẫn còn màu xanh lá cây, lá và cánh hoa tươi sáng bóng.

Chọn hoa hồng sao cho các búp đầu hoa tròn trịa, những chiếc lá non không bị rách, phía trên cành không có tì vết, nụ hé nở, trên cành có vài chiếc lá màu xanh thẫm. Mua thược dược phải chọn đa số các bông hoa chớm nở, nhụy ở giữa vẫn còn màu xanh lá cây, chưa có phấn hoa…

“Ngoại trừ những cây có độc tố mạnh như trúc đào hay một số loại cây dễ gây dị ứng, nhiều sâu bọ… thì việc trồng cây cảnh, chơi hoa, là một thú vui đem lại sự thư giãn, đồng thời làm không khí trong lành, nhất là trong những dịp lễ. Những cảnh báo độc hại kia chỉ có ý nghĩa khi thực hiện nghiên cứu, chứ không phải là cảnh báo cho người chơi hoa, cây cảnh”, PGS.TS Trần Hợp cho biết.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top