Không nên đưa vấn đề thay đổi giờ làm vào luật

(khoahocdoisong.vn) - Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến với nhiều nội dung mới gây tranh luận. Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Lê Trung Thành, chuyên gia Kinh tế và Quản trị nhân lực, Viện trưởng Viện Đào tạo sau Đại học, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có cuộc trò chuyện với KH&ĐS.
PGS.TS Lê Trung Thành, chuyên gia Kinh tế và Quản trị nhân lực, Viện trưởng Viện Đào tạo sau Đại học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

PGS.TS Lê Trung Thành, chuyên gia Kinh tế và Quản trị nhân lực, Viện trưởng Viện Đào tạo sau Đại học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

PV: Thưa PGS, ông đánh giá thế nào về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đưa ra phương án quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước, dự kiến từ 8h30 đến 17h30.

PGS.TS Lê Trung Thành: Thứ Nhất, đặt vấn đề thay đổi giờ làm đưa vào luật là cứng nhắc. Việc thay đổi (nếu có) không nên đưa vào văn bản luật vì mỗi lần sửa đổi phải thông qua Quốc hội, thời gian điều chỉnh rất là lâu. Như chúng ta đã biết, dưới văn bản luật còn có nghị định, thông tư. Cần phân cấp cho các đơn vị bên dưới như: Chính phủ, UBND tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp...

Thứ Hai, không nên quy định cứng nhắc thống nhất một thời điểm bắt đầu và kết thúc giờ làm việc. Tùy nhu cầu từng địa phương, từng lĩnh vực cụ thể mà cân nhắc quy định giờ làm cho phù hợp, hiệu quả, năng suất nhất. Hiện nay chúng ta đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 trong nhiều lĩnh vực. Trong giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư làm việc 24/7. Online điện tử trong lĩnh vực hải quan cũng đang tiến bộ rất nhiều. Nếu quy định giờ làm cứng nhắc cho khối hành chính thì vô hình chung ta tự hạn chế năng lực dịch vụ của mình. Quy định khung thời gian bao lâu trả lời quan trọng hơn là quy định thời gian làm việc.

Trước đây vài năm chúng ta có câu chuyện tại Hà Nội và TP HCM thống nhất khung thời gian nhưng chính các thành phố đã yêu cầu thay đổi giờ làm để giảm bớt tình trạng giao thông. Giờ lại quy định thống nhất chung 1 mốc giờ làm thì vô tình lại tạo áp lực lên các vấn đề giao thông. Trước là ùn thì bây giờ là tắc, cấp độ cao hơn rất nhiều. Vì vậy thay đổi giờ làm cần cân nhắc nhiều yếu tố tổng thể!

Nhưng tổ soạn thảo cũng lý khi quy định mốc giờ làm việc thống nhất trong cả nước để đảm bảo liên thông giữa các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương; nếu “lệch pha” có thể sẽ “ách tắc” trong công tác quản lý?

Tôi vẫn giữ quan điểm là không nên quy định cứng nhắc về giờ làm và để trong các văn bản luật nói trên. Thời gian cụ thể nên để cho các cơ quan quản lý theo nguyên tắc phân cấp, theo từng tỉnh, từng bộ, từng lĩnh vực đặc thù, hướng tới đối tượng phục vụ là ai thì quy định thời gian làm việc sao cho hiệu quả nhất.

Chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử. Với cách mạng công nghệ 4.0, mọi thứ đều giao dịch online trên mạng hết thì tại sao chúng ta không tận dụng điều đó? Chúng ta đưa ra tiêu chí quy định từ khi nộp hồ sơ online cho đến lúc trả hồ sơ về thời hạn bao lâu. Còn giải quyết như thế nào, nội bộ cơ quan đó bố trí nhân lực cho hiệu quả. Theo tôi, cách tổ chức lao động và ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào để đo lường năng suất lao động, đảm bảo yếu tố phục vụ về thời gian và hiệu quả là yếu tố mấu chốt hơn là quy định thời gian làm việc bắt đầu giống nhau hay kết thúc giống nhau.

Nói về năng suất lao động, ông có cho rằng thời gian nghỉ trưa 60 phút sẽ hiệu quả hơn là 90 phút như hiện nay?

Ở nước ngoài, Mỹ hay Anh thời gian nghỉ trưa chỉ 1h, nhưng thể lực và giờ sinh hoạt họ khác. Người Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn một số người có thói quen ngủ buổi trưa để duy trì năng suất lao động. Rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh chỉ cần ngủ 15 phút buổi trưa, năng suất lao động tốt hơn hẳn. Tôi cho rằng bố trí thời gian làm việc như hiện nay sẽ tốt hơn trong duy trì tái tạo năng suất lao động. 

Một điểm mới trong dự thảo đã gây nhiều tranh cãi thời gian qua, đó là tăng tuổi hưu. Những người lao động trí óc như PGS hẳn là ủng hộ?

(Cười) Tôi cho rằng tăng tuổi hưu là rất cần thiết. Qua 30 năm đổi mới, chất lượng dân số của ta tăng lên nhiều. Chăm sóc y tế tốt, tuổi thọ bình quân nâng cao. Nhìn chung mặt bằng sức khỏe tăng lên, nhiều người có nhu cầu cống hiến nên tăng tuổi hưu là hợp lý. Không nhất thiết “cào bằng” mà nên tùy theo ngành đặc thù. Lao động trí óc, giáo sư, bác sĩ, nghiên cứu khoa học thì độ tuổi về hưu là lúc năng suất lao động rất tốt, nâng được. Nhưng những ngành lao động nặng nhọc: nghề mỏ, lái xe... nâng 60 lên 62 lại là một câu chuyện. Do vậy, nên phân tách thành 2 nhóm khác nhau và đưa ra lộ trình cho phù hợp. Về mặt xã hội, nâng tuổi hưu cũng giúp quỹ bảo hiểm xã hội tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đời sống
back to top