Theo PGS.TS. Đặng Văn Thanh, về nguyên tắc chỉ nên áp giá trần, còn giá sàn phải do doanh nghiệp tự tính toán để đảm bảo kinh doanh có thu nhập, bù đắp chi phí. Giá sàn là quyền của doanh nghiệp.
“Đứng về phía người tiêu dùng thì việc áp giá sàn vé máy bay sẽ giúp họ hưởng lợi. Chỉ có điều giá sàn được áp dụng ở mức nào”, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nói và cho biết thực tế hiện nay, có đơn vị bán vé máy bay giá 0 đồng, như vậy là không đúng vì với giá 0 đồng thì không phải là kinh doanh, mua bán. “Giá trần mang tính bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường để các doanh nghiệp hàng không không tăng mức giá quá đáng”, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.
GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cũng cho rằng: “Thay đổi, điều chỉnh là tốt vì mỗi phương án có ưu, nhược điểm nhưng phải nghiên cứu sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể ở từng giai đoạn. Đặc biệt, cơ quan nghiên cứu Luật cần phải có đầy đủ số liệu, có khảo sát đối với các đơn vị hàng không để đưa ra quyết sách đúng”.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra tuần qua, khi tham gia góp ý về Luật giá (sửa đổi), một đại biểu đã đề nghị bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa.
Trả lời về góp ý này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, việc áp giá trần, giá sàn với vé máy bay nội địa là hợp lý, để tránh “hàng không chuyên nghiệp bị giá rẻ đánh bại”.